Nông sản, thực phẩm Tết: Hà Nội có thể tự đáp ứng đến đâu?

ANTD.VN - Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong tháng Tết, ngoài mặt hàng thịt lợn, thịt gà, Hà Nội sẽ cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của người dân Thủ đô. Trong khi đó, các mặt hàng khác đều phải nhập từ địa phương lân cận.

Không lo thiếu dịp hàng Tết Kỷ Hợi 2019

Cụ thể, theo Sở Công Thương Hà Nội, trong tháng Tết, các mặt hàng thực phẩm, nông sản thành phố tự đáp ứng được không nhiều, chỉ có thịt lợn và thịt gà, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác.

Gạo thành phố chỉ đáp ứng khoảng 35% nhu cầu; thịt bò chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu; thủy hải sản đáp ứng 5% nhu cầu; trứng gia cầm đáp ứng 66% nhu cầu; thực phẩm chế biến đáp ứng 25% nhu cầu; rau củ đáp ứng 65% nhu cầu; quả các loại đáp ứng khoảng 35% nhu cầu.

“Với khoảng 10,2 triệu dân đang sinh sống, làm việc và học tập trên địa bàn, nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội hiện rất lớn. Trong tháng Tết, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu còn tăng tối thiểu khoảng 3% so với các tháng khác trong năm nên các doanh nghiệp đã chuẩn bị hàng Tết từ sớm để chủ động nguồn cung”- đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết.

Dự kiến, trong tháng Tết, Hà Nội cần khoảng 94.800 tấn gạo, tăng khoảng 3%; 22.100 tấn thịt lợn hơi, tăng khoảng 18%; thịt bò khoảng 6.153 tấn, tăng khoảng 15%...

Ngoài ra, các loại thủy hải sản, trứng gia cầm, rau củ quả cũng tăng mạnh so với các tháng khác trong năm.

Thời điểm hiện tại, còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi (2019), hàng hóa phục vụ Tết vẫn chưa được triển khai trên thị trường. Tuy nhiên, theo đại diện một doanh nghiệp phân phối lớn tại Hà Nội, các đơn vị đã làm việc với nhà sản xuất, phân phối tại các tỉnh, thành phố lân cận từ tháng hồi tháng 7.

“Mới đây, tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc, chúng tôi cũng đã ký kết thêm biên bản tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh. Nói chung, hàng Tết bây giờ không lo thiếu, nhưng giá cả tăng ở mức nào thì chưa nói trước được”- đại diện doanh nghiệp nói.

Cũng liên quan tới nội dung này, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 5989/UBND-KT, thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Theo đó, UBND TP giao Sở Công Thương tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu kết hợp với Chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, khuyến khích doanh nghiệp tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, khu công nghiệp để cung ứng sớm và đầy đủ hàng hóa cho nhân dân trong dịp Tết 2019;

Tiếp tục phối hợp Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Hà Nội kết nối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn với các tổ chức tín dụng để tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường; Phối hợp các quận, huyện, thị xã rà soát địa điểm giới thiệu cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn nghiên cứu, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa phục vụ nhân dân.

Cần theo dõi, đánh giá sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, kịp thời báo cáo UBND TP có biện pháp cụ thể đảm bảo đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu dẫn đến tăng giá đột biến; Phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT, UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến dịch bệnh, thời tiết để đề xuất triển khai các giải pháp bảo đảm cân đổi cung cầu, ổn định thị trường hàng hóa cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

Đồng thời, phối hợp Sở Giao thông vận tải, CATP Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất các điểm tổ chức chợ hoa xuân phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đảm bảo quy định về trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy; Phối hợp các cơ quan liên quan trong công tác quản lý tổ chức an toàn các Hội chợ Xuân, các hoạt động khuyến mại trên địa bàn thành phố trong dịp Tết 2019...