Nợ xấu VAMC sẽ quay trở lại ngân hàng vào năm 2019: Có đáng lo?

ANTD.VN - Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố Báo cáo Triển vọng ngành ngân hàng 2019. Theo đó, BVSC cho rằng chất lượng tài sản tốt là lý do khiến tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng trong 2019 chưa lớn.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố Báo cáo Triển vọng ngành ngân hàng 2019. Theo đó, BVSC cho rằng chất lượng tài sản tốt là lý do khiến tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng trong 2019 chưa lớn.

Điều này thể hiện ở hai điểm: Thứ nhất là tỷ lệ nợ nhóm 2 chưa có dấu hiệu tăng; Thứ hai là tỷ lệ bao phủ nợ xấu hiện tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước và các ngân hàng có nguồn lực tốt hơn để xử lý nợ xấu. Theo đó, tỷ lệ nợ nhóm 2 tính đến hết quý 3-2018 ở mức 1,54% tổng dư nợ, giảm so với đầu năm (1,75%).

Về nguồn lực xử lý nợ xấu, Báo cáo của BVSC cho biết trong các ngân hàng TMCP Nhà nước thì Vietcombank và VietinBank có nguồn lực để xử lý nợ xấu tốt hơn so với BIDV, và cũng đã xử lý xong toàn bộ trái phiếu VAMC. Khả năng tăng nợ xấu trong 2019 là có, tuy nhiên không quá lớn do tỷ lệ nợ nhóm 2 vẫn trong xu hướng giảm kể từ 30/9/2017.

Đối với BIDV, chất lượng tài sản của ngân hàng này có sự cải thiện trong thời gian qua, tuy nhiên tỷ lệ huy động trên cho vay (LLCR) xét đến cả nợ nhóm 2 của BIDV vẫn ở mức thấp (32%) và ngân hàng vẫn còn số dư trái phiếu VAMC khoảng 9.767 tỷ đồng.

Tình hình nợ xấu ngân hàng được cho là sẽ cải thiện trong năm 2019

Báo cáo cũng cho rằng, nhóm ngân hàng sở hữu công ty tài chính dự báo nợ xấu sẽ tăng trong 2019 do tỷ lệ nợ xấu cũng như nợ nhóm 2 đang trong xu hướng tăng. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu không có nhiều cải thiện (trừ MBBank). Do đó, cùng với đà tăng trưởng kinh tế dự báo chậm lại, chất lượng tài sản của nhóm này dự báo suy giảm trong 2019.

Đối với nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, ACB vẫn là ngân hàng có chất lượng tài sản tốt với tỷ lệ nợ từ nhóm 2 - 5 là 1,09% và LLCR (tính toàn bộ nợ nhóm 2 - 5) cao thứ ba toàn hệ thống.

Techcombank và TPBank có tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ nhưng LLCR cũng cải thiện nhiều so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ nhóm 2 giảm lần lượt 33% và 41% so với cùng kỳ, do đó, rủi ro tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh trong 2019 đối với hai ngân hàng này là không lớn.

Rủi ro nợ xấu của VIB lớn hơn do tỷ lệ nợ xấu của VIB vẫn tăng nhẹ, mặc dù ngân hàng đã phải sử dụng 1.287 tỷ đồng để xóa nợ (tỷ lệ nợ xấu trước khi xóa là 3,92%); LLCR xuống thấp do ngân hàng đã sử dụng để xóa nợ và tỷ lệ lãi dự thu trên dư nợ tín dụng đang trong xu hướng tăng.

Đối với nhóm ngân hàng tái cơ cấu được đánh giá có sự cải thiện về chất lượng tài sản. Mặc dù vậy, nhưng các khoản tài sản có vấn đề khác không được phân loại trong danh mục cho vay khách hàng vẫn còn rất lớn.

Một điểm mà nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại là những khoản nợ bán cho VAMC trong năm 2014 và 2015, số này sẽ đáo hạn vào 2019 và 2020. Tuy nhiên, theo VAMC, điều này là không đáng lo ngại do những khoản nợ xấu này tập trung ở những ngân hàng đang tái cơ cấu và những ngân hàng này có thể có thời gian xử lý trái phiếu VAMC dài hơn 5 năm. Còn 5 ngân hàng lớn gồm Vietcombank, ACB, MBBank, Techcombank, VietinBank đã trích lập hết và tất toán trái phiếu VAMC.

“Lợi nhuận tốt của 2018 có thể giúp các ngân hàng có nguồn lực trích lập nốt số trái phiếu VAMC đã mua năm 2014” – báo cáo của BVSC nhận định.