Nở rộ cửa hàng tiện lợi

ANTĐ - Trong những năm gần đây, các cửa hàng tiện lợi đang trở thành xu hướng kinh doanh mới ngày càng thu hút người tiêu dùng. Theo nhiều chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực bán lẻ thì trong tương lai hình thức kinh doanh này sẽ trở thành các “cửa hàng tạp hóa thế hệ mới”.
Nở rộ cửa hàng tiện lợi  ảnh 1
Các cửa hàng tiện lợi ngày càng được nhiều người nội trợ lựa chọn 
(ảnh minh họa)


Ngoài tiêu chí chất lượng, nguồn gốc sản phẩm thì việc tập trung bày bán các loại hàng hóa thiết yếu, thời gian hoạt động 24/24h là ưu điểm lớn nhất của những cửa hàng tiện lợi. Chúng có quy mô khác nhau, thậm chí một số cửa hàng còn kinh doanh những mặt hàng đặc thù, nằm xen kẽ trong khu dân cư hay các chung cư lớn, tạo kênh phân phối tiện lợi cho người dân vốn ở xa siêu thị và không có điều kiện đi chợ truyền thống. 

Không cần đầu tư tốn kém như các siêu thị lớn như thuê mặt bằng, nhân công, chi phí vận hành được giảm tối đa nên những cửa hàng kinh doanh theo mô hình này ngày càng phát triển. Thời gian gần đây, những cửa hàng này đã có mặt ở những nơi gần trường học, khu dân cư,… bán các mặt hàng tiêu dùng, thậm chí nhiều cửa hàng còn kết hợp bán thức ăn nhanh, thu hút ngày càng đông khách hàng là sinh viên, học sinh, giới văn phòng và các bà nội trợ.

Ngay tại nhiều khu chung cư ở Hà Nội những siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi cũng đang thu hút lượng khách hàng không nhỏ bởi sự đa dạng nhiều mặt hàng, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người dân từ mặt hàng tiêu dùng, đồ uống, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đóng gói… Theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar   Worldpanel, những kênh phân phối mới tại Việt Nam như siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi đang tăng trưởng nhanh ở mức 74% so cùng kỳ năm 2012, cao hơn hẳn so với các kênh phân phối truyền thống như cửa hàng tạp hóa vẫn duy trì tăng trưởng khá ở mức 9%, siêu thị lớn 5%.

Ông Trần Nhật Nam, Giám đốc điều hành một công ty quảng cáo chuyên thực hiện các chiến lược quảng cáo, xây dựng các thương hiệu cho rằng theo xu thế phát triển chung, cửa hàng tiện lợi sẽ phát triển mạnh, đe dọa trực tiếp tới mô hình chợ truyền thống và những cửa hàng tạp hóa. Các cửa hàng tiện lợi ngày càng bám sát các khu dân cư, tạo thuận tiện cho người dân mua sắm, nhất là khi họ chỉ muốn mua vài món đồ mà không cần tới siêu thị. Theo ông Nam, trong phân khúc cửa hàng tiện lợi, các đại gia bán lẻ thường nhắm tới tầng lớp trung lưu trở xuống. Đó là lý do vì sao vẫn có những cửa hàng xuất hiện ở mọi nơi, chứ không phải ở vị trí mặt tiền, mặt đường như các siêu thị.