Niềm tin trở lại, VN-Index "lội ngược dòng" tăng gần 9 điểm

ANTD.VN - Nhờ sự hồi phục rất mạnh của một số cổ phiếu trụ cột nên các chỉ số thị trường đã có được sự hồi phục. VN-Index tăng 8,98 điểm, HNX-INdex tăng 1,19 điểm.

Đóng góp lớn nhất cho sự hồi phục của thị trường phải kể đến bộ đôi VHM (Vinhomes) và VIC (Vingroup).

Trong đó, VHM sau nhiều phiên là “tội đồ” kéo VN-Index đi xuống thì trong phiên hôm nay đã tăng kịch trần lên 110.800 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh 1,4 triệu cổ phiếu. VIC cũng bứt phá mạnh với mức tăng 5,3% lên 105.000 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh gần 2 triệu cổ phiếu.

SSI cũng tăng 5,6%, lên 27.250/cổ phiếu với khớp lệnh đạt hơn 4,2 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, nhiều mã vốn hóa lớn như MSN, FPT, CTG, ACB, VPB, MBB… cũng đồng loạt tăng giá.

Sự hồi phục ở các cổ phiếu trụ cột đã kéo các chỉ số trở lại sắc xanh

Ở chiều ngược lại, vẫn còn một số mã vốn hóa lớn tạo lực cản cho thị trường như VNM, VJC, V CB, TPB, TCB, GAS, BVH…. BVH vẫn giảm sâu 3,4% xuống còn 71.000 đồng/cổ phiếu. GAS giảm 4,2% xuống 79.500 đồng/cổ phiếu. TPB giảm 2,5% xuống 25.450 đồng/cổ phiếu .

Tuy vậy, thanh khoản thị trường lại có sự sụt giảm mạnh so với phiên trước. Tổng khối lượng giao dịch đạt 160 triệu cổ phiếu, trị giá 3.900 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 8,98 điểm (0,99%) lên 914,99 điểm. Toàn sàn có 163 mã tăng, 122 mã giảm và 50 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 1,19 điểm (1,21%) lên 99,99 điểm với 78 mã tăng, 71 mã giảm và 57 mã đứng giá.

Diễn biến thị trường chứng khoán phiên hôm nay khá kịch tính khi VN-Index có lúc thủng mốc 900 điểm khi giảm tới 15 điểm. Tuy nhiên, sau những thông điệp phát đi từ lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tâm lý các nhà đầu cư có phần đã ổn định hơn.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng các nhà đầu tư đã phản ứng thái quá với những thông tin về tình hình quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn, biến động tỷ giá tiền đồng và những thông báo kỷ luật của Ban Kiểm tra Trung ương cuối tuần qua nên đã cố bán cổ phiếu bằng mọi giá.

Ông Dũng cũng cho rằng ở khía cạnh tích cực trung và dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam còn đó nhiều yếu tố nền tảng cơ bản để phát triển như: Tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm tiếp tục phát triển theo hướng tích cực; Hiện tại giá của các cổ phiếu trong rổ VN30 đã xuống thấp hơn nhiều so với thời điểm đầu năm 2018, nhiều cổ phiếu blue-chips giảm về mức đáy trong vòng hơn 1 năm qua, chỉ số P/E chung của thị trường chỉ có 16,1 lần, là mức thấp so với nhiều thị trường chứng khoán các nước.

Cùng với đó, tình hình sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn ổn định. Dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài có rút trong những ngày gần đây, nhưng nếu nhìn từ đầu năm nhiều quỹ đầu tư nước ngoài vẫn đổ tiền vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội...