Nhiều doanh nghiệp FDI lỗ 10 - 20 năm vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh

ANTD.VN - Có không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) báo lỗ 10, thậm chí 20 năm nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh.

Đây là thông tin được đại diện cơ quan quản lý thuế cho biết tại hội thảo “Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết: Thực trạng và giải pháp” vừa được Công ty tư vấn thuế Deloitte Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức.

Lỗ 20 năm vẫn mở rộng kinh doanh

Về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, số liệu phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp FDI từ 2012-2016 cho thấy số lượng doanh nghiệp FDI báo lỗ hàng năm từ 44%-51%. Đặc biệt, năm 2015, có tới 51% và năm 2016 có tới 50% doanh nghiệp FDI báo lỗ.

Tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ luỹ kế cao hơn tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ luỹ kế cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực FDI ngày càng gia tăng và phức tạp.

Đáng chú ý, bên cạnh tình trạng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài của nhóm doanh nghiệp FDI như trên, còn xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược (từ nước ngoài vào Việt Nam) của một bộ phận doanh nghiệp FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thời gian miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điều này thể hiện qua tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn sở hữu (ROE) bình quân của doanh nghiệp FDI trong một số năm qua luôn duy trì mức rất cao như linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị ngoại vi; viễn thông, phần mềm luôn trên 30%.

Theo đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp, dù hoạt động tốt nhưng doanh nghiệp FDI nộp ngân sách thấp, chưa tương xứng với nguồn tài nguyên sử dụng và việc đảm bảo môi trường. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này do doanh nghiệp FDI lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư cao (như tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…) để chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

Chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp FDI đang khiến hoạt động chuyển giá tại Việt Nam ngày càng phức tạp

Cũng nêu lên thực trạng doanh nghiệp FDI lợi dụng các chính sách ưu đãi thuế để chuyển giá, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) cho biết, không ít doanh nghiệp FDI tại Việt Nam báo lỗ 10, thậm chí 20 năm nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh.

“Chúng ta phải đặt câu hỏi ngược lại, nếu không hiệu quả tại sao họ lại đầu tư như vậy”, bà Nguyễn Thị Lan Anh nói.

Cần có biện pháp quản lý

Cũng theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, trong những năm gần đây, cơ quan thanh tra đã tập trung vào nhóm những doanh nghiệp thua lỗ liên tục và có dấu hiệu chuyển giá.

Qua đó cho thấy, các hình thức chuyển giá phổ biến trên thế giới đều đã hiện diện tại Việt Nam. Trong số đó, phổ biến nhất vẫn là việc sử dụng các giao dịch liên kết để đẩy giá chuyển nhượng lên cao.

Để xử lý những trưởng hợp này, cơ quan thanh tra đã kiểm tra, đối chiếu các số liệu của doanh nghiệp với thực tế để loại bỏ chi phí không hợp lý, giảm số lỗ mà các doanh nghiệp này khai báo.

Theo bà Lan Anh, riêng trong hai năm 2015 - 2016, ngành thuế đã kiểm tra hai công ty lớn trong ngành bán lẻ có dấu hiệu chuyển giá và truy thu hơn 4.000 tỷ đồng tiền thuế.

“Các công ty đa quốc gia thường thỏa thuận các dịch vụ này nhưng trên thực tế có cung cấp dịch vụ hay không thì ngành thuế cũng gặp khó khăn khi chưa có chức năng điều tra” – bà Lan Anh nói.

Đặc biệt đại diện cơ quan thanh tra thuế cũng cho hay thời gian qua, nhiều doanh nghiệp FDI cũng chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết. Chi phí lãi vay luôn vượt quá định mức thông thường để có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty tư vấn thuế Deloitte Việt Namkhẳng định tình trạng nhiều doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ nhiều năm mà vẫn mở rộng đầu tư là rất bất thường và cơ quan thuế phải có biện pháp quản lý những trường hợp này.

Cụ thể, đối với việc doanh nghiệp kê khai giá nguyên phụ liệu để đẩy giá vốn lên cao, có nhiều cách để kiểm tra xem doanh nghiệp kê khai giá đó có hợp lý hay không.

Một là cơ quan thuế nên thông qua cơ sở dữ liệu của hải quan về các sản phẩm tương tự trên thị trường. “Người ta có thể độc quyền về công thức nhưng không thể độc quyền về nguyên vật liệu. Nguyên liệu không có gì là quý hiếm nên việc kiểm tra giá không quá khó” – ông Tuấn nói.

Cách thứ hai là có thể làm việc với cơ quan thuế sở tại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để trao đổi thông tin nhằm có mức giá nguyên liệu tại nước sở tại.

Về vấn đề chính sách thu hút FDI trong thời gian tới, bà Nguyễn Vân Chi - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đặt vấn đề nên thu hút đầu tư nước ngoài bằng ưu đãi thuế hay tập trung vào giải quyết các vướng mắc về thủ tục đầu tư.

Bà Chi cho rằng nên tập trung hài hòa, chú trọng tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính, chi phí không tên mà các doanh nghiệp đang phải chịu hiện nay.

Cùng với đó, cơ quan chức năng cần phải xem xét nghiên cứu chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo dự án mà không theo tư cách pháp nhân.

“Trong một công ty mẹ nhưng các chi nhánh, công ty con lại được hưởng chế độ thuế ưu đãi khác nhau. Các chi nhánh, công ty của cùng một tập đoàn sẽ có các giao dịch với nhau. Đây là giao dịch liên kết nên sẽ khó tránh khỏi có chuyển giá để chuyển lợi nhuận về những chi nhánh đang được hưởng ưu đãi về thuế thấp hơn. Chúng ta tự làm phức tạp công tác quản lý của chúng ta. Đây là thách thức đặt ra cho cơ quan quản lý” – bà Chi nói.