Nhiều doanh nghiệp điện tử đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam

ANTD.VN - Ước tính có hơn 10.000 công ty nước ngoài - bao gồm cả các công ty lớn trên toàn cầu như Samsung, Intel và LG - hoạt động tại Việt Nam hiện nay với xu hướng ngày càng phát triển và tăng cường sản lượng, mở rộng hoạt động. 

 

Trong khuôn khổ họp báo diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác 

Ngày 30-5, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản, Công ty Reed Tradex Việt Nam đã tổ chức họp báo thông tin về “Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản (SIE 2019)” và “Triển lãm Quốc tế Công nghệ Chế tạo Phụ tùng Công nghiệp tại Việt Nam (VME 2019)”.

Theo ông Phan Ngân, Giám đốc dự án (Công ty Reed Tradex Việt Nam), Việt Nam đang là “miền đất hứa”, thu hút số lượng lớn các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, sản xuất. Ước tính có hơn 10,000 công ty nước ngoài - bao gồm cả các công ty lớn trên toàn cầu như Samsung, Intel và LG - hoạt động tại Việt Nam hiện nay với xu hướng ngày càng phát triển và tăng cường sản lượng, mở rộng hoạt động.

Điển hình như gần đây, LG đã chính thức tuyên bố chuyển nhà máy điện thoại từ Hàn Quốc sang Việt Nam, dự kiến thay đổi này sẽ giúp tăng công suất hàng năm của nhà máy điện thoại thông minh tại Việt Nam lên 83%, tương ứng với 11 triệu thiết bị từ nửa cuối năm 2019.

Đây được xem là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam đang dần được công nhận, hứa hẹn nâng tầm vị thế đất nước trong lĩnh vực sản xuất trong một tương lai gần. 

Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng, tạo cơ sở để phát triển một nền công nghiệp có sức cạnh tranh cao và bền vững.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ Việt Nam giao Bộ Công Thương tích cực triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025.

Qua đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được tạo điều kiện áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm, độ tin cậy, và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành sản xuất quan trọng như ô tô, dệt may, da giày, điện tử.

Thông tin về việc tổ chức “Diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” ông Phan Ngân cho biết, việc tổ chức diễn đàn sẽ đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ mới và mở rộng mạng lưới kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là giữa doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam, yếu tố quan trọng giúp gia tăng sự cạnh tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ, mở ra bối cảnh mới để các doanh nghiệp ngày càng tận dụng và phát huy được lợi thế chuyên môn.

Năm nay, “Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản” và “Triển lãm quốc tế về Công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam” sẽ được diễn ra đồng thời vào ngày 14-8 đến ngày 16-8-2019 tại Trung tâm Triển lãm I.C.E Hà Nội.