Ngành ngân hàng "xanh hóa" dòng vốn đầu tư

ANTD.VN - Ngành Ngân hàng sẽ đóng vai trò trọng yếu trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư; định hướng nguồn lực tài chính vào những lĩnh vực “xanh”; hạn chế dòng vốn vào những dự án gây ảnh hưởng tới môi trường.

Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị chuyên đề “Định hướng phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam” do Viện Chiến lược ngân hàng tổ chức sáng nay 8/11, trong khuôn khổ triển khai Đề án Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.

Hội nghị nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của ngành Ngân hàng trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Theo bà Lê Phương Lan, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững cần huy động nguồn lực của toàn xã hội.

Hội nghị nằm trong khuôn khổ triển khai Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam

Trong đó, ngành Ngân hàng có trách nhiệm trong việc hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững thông qua cơ chế huy động và cung ứng vốn cho các dự án bảo vệ môi trường là đặc biệt quan trọng.

Điều này thể hiện ở hai khía cạnh cơ bản: Thứ nhất, là cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân, giữa bên thừa vốn và thiếu vốn; tham gia vào quá trình đánh giá và quản lý rủi ro các dự án đầu tư, trong đó gồm cả những rủi ro môi trường;

Thứ hai là bản thân hoạt động của các ngân hàng cũng tác động trực tiếp tới môi trường, thông qua việc ứng dụng công nghệ để phi chứng từ hóa các phương tiện thanh toán, áp dụng ngân hàng điện tử trực tuyến...

Theo đó, ngành Ngân hàng đóng vai trò trọng yếu trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư; định hướng nguồn lực tài chính vào những lĩnh vực xanh như cho vay vào các dự án năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, nông nghiệp sạch, xử lý rác thải... Đồng thời, hạn chế dòng vốn vào những dự án gây ảnh hưởng tới môi trường thông qua việc tính đủ chi phí rủi ro môi trường và xã hội vào chi phí sử dụng vốn vay.

Qua đó, góp phần thúc đẩy các khách hàng vay vốn chuyển đổi dự án và mục đích sử dụng vốn vay sang các dự án thân thiện với môi trường. Nói cách khác, các chính sách tín dụng xanh là một giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải độc hại, hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh.