Ngân hàng đua bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài

ANTD.VN - Hàng loạt ngân hàng đã và đang lên kế hoạch thoái vốn tại các công ty con cho nhà đầu tư nước ngoài với kỳ vọng các nhà đầu tư này sẽ mang đến nguồn vốn dồi dào, công nghệ, quản trị hiện đại.

Tìm kiếm đối tác nước ngoài 

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa chính thức ký hợp đồng chuyển nhượng 49% vốn tại Công ty Cho thuê tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank Leasing) cho nhà đầu tư nước ngoài là Công ty Mitsubishi UFJ Lease & Finance (MUL).

MUL là công ty hoạt động trong lĩnh vực cho thuê tài chính thuộc sở hữu của Mitsubishi UFJ – cổ đông Nhật Bản đang sở hữu 19,73% vốn của VieitinBank. Ngoài ra, VietinBank cũng bán thêm 1% vốn cho nhà đầu tư trong nước.

Hiện VietinBank Leasing là công ty có quy mô vốn điều lệ lớn nhất trong nhóm các doanh nghiệp được NHNN cấp phép hoạt động trong lĩnh vực cho thuê tài chính với tổng giá trị vốn góp là 1.000 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thiện việc ký kết, VietinBank sẽ phối hợp với MUL chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ theo quy định và trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các cơ quan quản lý khác xem xét phê duyệt việc chuyển đổi hình thức pháp lý của VietinBank Leasing từ công ty TNHH 01 thành viên sang hình thức công ty TNHH 02 thành viên trở lên.

Trên thực tế, thời gian gần đây, không ít ngân hàng đã quyết định chuyển nhượng vốn của công ty con cho nhà đầu tư nước ngoài. Trước đó, một thương vụ lớn hồi năm 2017, Công ty cho thuê tài chính BIDV cũng chuyển đổi sang hình thức liên doanh với 49% vốn được nhượng lại cho đối tác Nhật Bản là Ngân hàng Tín thác Sumitomo Mitsui.

Trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, nhiều ngân hàng cũng đang tính đến chuyện thoái vốn tại các công ty con. Trong đại hội cổ đông mới đây, Chủ tịch Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho biết ngân hàng đang xúc tiến kế hoạch chuyển nhượng vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng SHB (SHB Finance) cho nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sở hữu tối đa sẽ tuân theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính là 49%.

VPBank cũng đang lên kế hoạch thoái vốn tại FeCredit (Ảnh minh họa)

Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ngân hàng này cũng cho biết có thể sẽ thoái tới 49% số vốn tại Công ty Tài chính FE Credit. Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của VPBank cho biết ngân hàng đã tiếp xúc với các đối tác và nhà đầu tư trong nhiều năm qua, tuy nhiên, quá trình đàm phán đã tạm dừng do dịch Covid-19.

Quá trình đàm phán này sẽ được nối lại và trong thời gian gần VPBank sẽ đạt được mục tiêu IPO đề ra cho FE Credit.

Xu hướng tất yếu

Theo chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu, việc các ngân hàng thoái vốn tại các công ty con đang nằm trong xu hướng chung. Trước đây, các ngân hàng lập ra các công ty con để các công ty này chuyên nghiệp về một lĩnh vực tài chính nào đó như cho vay tiêu dùng, cho thuê tài chính. Tuy nhiên, việc quản lý các công ty con này không phải dễ, vì các công ty này là một pháp nhân độc lập, hơn nữa lại thường hoạt động trong các lĩnh vực nhiều rủi ro.

“Hiện nay, hiều ngân hàng nước ngoài có xu hướng rút khỏi các lĩnh vực rủi ro cao như cho vay tiêu dùng. Chẳng hạn ở Mỹ, cho vay tiêu dùng chủ yếu do các công ty tài chính đảm nhiệm, các công ty này thường thuộc các nhà sản xuất, phân phối các sản phẩm tiêu dùng, ô tô, điện máy… Theo tôi, các ngân hàng Việt Nam rút vốn khỏi các công ty con thì đó cũng là sự chuyển biến theo xu thế” – TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng cho rằng, với việc tham gia nhà đầu tư nước ngoài, ngoài việc họ có nguồn vốn dồi dào hơn, họ còn có thể đem theo những sản phẩm mới, công nghệ mới và kỹ năng quản trị hiện đại của nước ngoài.

Đây cũng là mục tiêu của các ngân hàng khi thoái vốn các công ty con cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch SHB, việc chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, ngoài việc có thể mang lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho ngân hàng mẹ mà còn có thể nâng cao năng lực quản trị điều hành và công nghệ cho hai bên.

Lãnh đạo VPBank cũng cho biết, khi đối tác có khả năng mua tới 49% vốn FE Credit cũng sẽ đem theo công nghệ, kinh nghiệm, nguồn vốn hùng hậu vào đây và đó là điều tốt cho FE Credit.

Cùng với đó, lượng tiền bán vốn tại FE Credit mà ngân hàng mẹ thu về cũng sẽ có phương án để được sử dụng hiệu quả nhất, có thêm cơ hội để ngân hàng tập trung vào những mảng kinh doanh chiến lược.

Cụ thể, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, VPBank xác định rõ chiến lược trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu. Tuy nhiên, trọng tâm cũng có những thay đổi nhất định trong từng giai đoạn.

Ví dụ, trong thời gian gần đây, ngân hàng có tập trung nhiều vào mảng trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt trong quý 1 và 2 vừa qua vì thị trường cũng có những diễn biến khác thường. Việc đầu tư trái phiếu cho các khách hàng lớn không khác gì cho vay vào các dự án bất động sản và ngân hàng cũng đang quản trị khoản đầu tư này giống như một khoản vay nên đảm bảo không rủi ro.

Ngoài việc mở rộng đối tượng khách hàng là những dự án lớn, khách hàng lớn, 6 tháng cuối năm ngân hàng sẽ tiếp tục quay trở lại với những đối tượng mục tiêu như trước đây là khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hiện nay, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng đang được khống chế ở mức 49%.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng chúng ta nên nới tỷ lệ này, để tăng sức hấp dẫn khi các nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm quyền chi phối. “Chúng ta đang lo ngại các tổ chức nước ngoài lũng đoạn các tổ chức tín dụng nhưng tôi nghĩ chúng ta có đủ công cụ để kiểm soát cái việc đó” – TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.