Ngân hàng đang mua chéo trái phiếu lẫn nhau để gia tăng nguồn vốn dài hạn?

ANTD.VN - Với mức lãi suất trung bình chỉ 6,72%/năm, trái phiếu của các ngân hàng thương mại hầu hết không hấp dẫn với nhà đầu tư thông thường. Điều này đặt ra giả thuyết các ngân hàng liệu có mua chéo trái phiếu lẫn nhau để đối phó việc gia tăng nguồn vốn dài hạn?

Đua nhau phát hành trái phiếu

Theo thống kê, hiện nay, các ngân hàng thương mại (NHTM) đang là chủ thể phát hành trái phiếu lớn nhất với tổng giá trị phát hành là 56.060 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2019 (chiếm 47,9% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành).

Đồng thời, ngân hàng cũng là nhóm có tỷ lệ phát hành thành công cao nhất với 99.6%. Trong đó, ngoại trừ SeABank có 2 lô phát hành (tháng 5 và tháng 6 năm 2019) 1.000 tỷ đồng và 900 tỷ đồng không bán hết (lượng phát hành tương ứng 950 tỷ đồng và 700 tỷ đồng) thì tất cả 10 NHTM còn lại đều bán hết 100% lượng trái phiếu chào bán.

Năm NHTM phát hành nhiều nhất đang chiếm tới 83% tổng giá trị phát hành 8 tháng đầu năm, bao gồm: VPBank (13.860 tỷ đồng, trong đó có 300 triệu USD trái phiếu quốc tế); HDBank (11.600 tỷ đồng); ACB (7.850 tỷ đồng); VIB (6.450 tỷ đồng) và LienVietPostBank (6.100 tỷ đồng).

Hầu hết trái phiếu ngân hàng có lãi suất cố định và trả lãi hàng năm, lãi suất bình quân 6,75%/năm, kỳ hạn bình quân  3,3 năm. Chỉ có 3.900 tỷ đồng trái phiếu ngân hàng có lãi suất thả nổi.

Lý giải về việc các ngân hàng đua nhau phát hành trái phiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cho rằng, chủ yếu do các ngân hàng muốn gia tăng nguồn vốn dài hạn. Thứ nhất là để đáp ứng nhu cầu cho vay trung và dài hạn, trong bối cảnh thị trường vốn Việt Nam chưa phát triển như mong muốn trong khi nguồn vốn trung và dài hạn hiện nay vẫn phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống ngân hàng.

Thứ hai là để đáp ứng một phần quy định của Ngân hàng Nhà nước về giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Theo đó, tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới. Thứ ba là tăng vốn cấp 2 để đáp ứng chuẩn Basel II theo lộ trình Ngân hàng Nhà nước đã ban hành.

Liệu có tình trạng mua chéo trái phiếu lẫn nhau?

Theo thống kê, các công ty chứng khoán vẫn là bên mua lớn nhất đối với trái phiếu ngân hàng, tổng lượng mua là 22.900 tỷ đồng.

Các ngân hàng đang là chủ thể phát hành trái phiếu lớn nhất

Theo phân tích của các chuyên gia Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), lượng mua này quá lớn so với quy mô vốn của các công ty chứng khoán, vì bản thân các công ty chứng khoán này cũng phải huy động trái phiếu để tăng vốn. Vì vậy, khả năng cao các công ty chứng khoán chỉ là trung gian, tham gia mua trên sơ cấp để bán lại trên thứ cấp chứ không phải là người mua cuối cùng.

Cũng theo SSI, theo báo cáo tài chính bán niên 2019 của 18 NHTM niêm yết, trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng trái phiếu của các tổ chức tín dụng mà các NHTM nắm giữ tăng thêm tới 56.400 tỷ - con số khá tương đồng với lượng trái phiếu các NHTM đã phát hành.

“Với mức lãi suất trung bình chỉ 6,72%/năm, tức là chỉ tương đương lãi suất huy động của các NHTM lớn - nhóm có lãi suất huy động thấp nhất thì trái phiếu của các NHTM hầu hết không hấp dẫn với các nhà đầu tư thông thường. Thêm vào đó, đối tượng mua chủ yếu là các công ty chứng khoán nên rất có thể các NHTM đã sở hữu chéo các trái phiếu của nhau, mục đích là để gia tăng nguồn huy động và nâng cao tỷ trọng vốn trung và dài hạn, đối phó với yêu cầu giảm tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung vào dài hạn của NHNN” – báo cáo của SSI phân tích.

Tuy nhiên, chuyên gia Cấn Văn Lực lại có quan điểm ngược lại. Ông cho rằng điều này không hẳn nói lên các ngân hàng đang nắm giữ chéo trái phiếu lẫn nhau.

“Lãi suất thấp hay cao là tùy "khẩu vị" rủi ro, nếu rủi ro cao thì lãi suất cao, rủi ro thấp thì lãi suất thấp. Nếu so sánh thì các ngân hàng thương mại vẫn được cho là ít rủi ro hơn các doanh nghiệp thông thường, do đó, lãi suất họ chào bán trái phiếu với lãi suất thấp hơn cũng là bình thường” – ông nói.

Lý giải về việc các ngân hàng đang nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp khá lớn, TS Cấn Văn Lực cho rằng đó là do nhu cầu của các ngân hàng về việc nắm giữ những tài sản có tính chất thanh khoản cao, như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp…  

Cùng với đó, đây cũng là cách thức kinh doanh của ngân hàng, tức là khi có tiền nhàn rỗi, họ có thể cho vay tín dụng thông thường, nhưng cũng có thể đầu tư trái phiếu. “Tuy nhiên, hạn mức cho vay hay đầu tư trái phiếu cũng đều được tính chung vào tổng hạn mức tín dụng và đầu tư, chứ không phải không được tính toán” – vị chuyên gia cho biết.