Ngăn cán bộ thuế "đi đêm" với hộ kinh doanh

ANTD.VN - Những đối tượng rủi ro về thuế như các hộ kinh doanh có quy mô lớn chưa chuyển lên doanh nghiệp; các cửa hàng ăn uống, dịch vụ có thương hiệu nổi tiếng, hoạt động theo mô hình chuỗi… sẽ là những đối tượng được cơ quan thuế nhắm tới.

Các hộ kinh doanh, nhà hàng lớn sẽ được tăng cường kiểm tra thuế vào những tháng cuối năm (Ảnh minh họa)

Hộ kinh doanh, nhà hàng lớn vào “tầm ngắm”

Đây là một nội dung chính trong kế hoạch chống thất thu và chấn chỉnh công tác quản lý thuế khoán đối với các cơ sở kinh doanh của Tổng cục Thuế từ nay đến cuối năm. Mục đích của kế hoạch trên nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, tránh việc thỏa thuận ngầm giữa cán bộ thuế và hộ khoán, tránh lợi dụng núp bóng hộ khoán để sử dụng hóa đơn vào các mục đích bất hợp pháp nhằm chống thất thu thuế. Từ đó, có biện pháp chuyển mạnh các hộ kinh doanh lớn đang quản lý theo mô hình khoán sang nộp thuế theo kê khai và mở sổ kế toán theo quy định.

Tiêu chí để lập danh sách đối tượng rủi ro trong kế khoạch này là các hộ kinh doanh có quy mô lớn, đáp ứng điều kiện lên doanh nghiệp nhưng chưa chuyển lên doanh nghiệp; hộ kinh doanh sử dụng nhiều hoá đơn; hộ kinh doanh quy mô lớn tại chợ biên giới; hộ kinh doanh, doanh nghiệp ngoài quốc doanh ngành nghề ăn uống, dịch vụ có thương hiệu nổi tiếng, hoạt động theo mô hình chuỗi có 2 địa điểm kinh doanh trở lên, chuyển nhượng thương hiệu.

Ngoài ra, một số tiêu chí khác cũng được đề cập là hộ kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp vật liệu xây dựng có nguồn gốc tài nguyên, khoáng sản; hộ kinh doanh còn nợ thuế; hộ kinh doanh quy mô lớn chuyên kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc nhập nhẩu…

Tổng cục Thuế sẽ lựa chọn tối thiểu 10 đơn vị kiểm tra trên địa bàn toàn quốc. Tại Hà Nội và TP.HCM, mỗi chi cục thuế được yêu cầu lựa chọn tối thiểu 10-15 đơn vị trên địa bàn. Với một số địa phương khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa… mỗi nơi chọn tối thiểu 5-10 đơn vị tại địa bàn đó để kiểm tra. Các Cục Thuế còn lại sẽ lựa chọn đối tượng kiểm tra chống thất thu tại địa bàn phù hợp theo tình hình thực tế và nhân sự.

Trên cơ sở danh sách này, cơ quan thuế sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan như: Công an, quản lý thị trường, văn hóa - thể thao và du lịch… thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, khảo sát tại địa điểm kinh doanh thông qua ghi chép, quan sát, kiểm đếm hoạt động kinh doanh thực tế trong thời gian cao điểm - thời gian thấp điểm để xác định doanh thu bình quân.

Hoặc có thể thực hiện kiểm tra, khảo sát gián tiếp thông qua dữ liệu từ nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ đầu vào, khách hàng… để xác định các yếu tố chi phí sản xuất, kinh doanh tối thiểu của hộ kinh doanh hoặc của hộ kinh doanh cùng quy mô, ngành nghề, địa bàn, từ đó xác định mức doanh thu khoán phù hợp.

70% hộ kinh doanh né thuế 

Theo Ban chỉ đạo Chống thất thu thuế (Tổng cục Thuế), trong năm 2016, cơ quan này cũng đã rà soát chống thất thu thuế với hàng chục nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tăng thu cho ngân sách gần 5.000 tỷ đồng. Trong số 14.352 hộ kinh doanh được kiểm tra, khảo sát thì có tới 73,4% có kết quả điều chỉnh tăng doanh thu khoán, trong đó một nửa số hộ được điều chỉnh tăng từ 50% trở lên. 

Nguyên nhân của tình trạng hộ kinh doanh “né” thuế được cho là do cơ chế thuế khoán cố định đối với hộ kinh doanh. Các hộ kinh doanh lớn không chỉ lợi dụng cơ chế này để giảm số tiền thuế phải nộp mà nghiêm trọng hơn còn có tình trạng cán bộ thuế bắt tay với hộ khoán để thỏa thuận mức thuế khoán thấp.

Một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, có tới 70% hộ kinh doanh thường có thỏa thuận về mức thuế khoán với cán bộ thuế. Đây là một trong những nguyên nhân khiến hộ kinh doanh không muốn lên doanh nghiệp. Thậm chí, ngay cả cán bộ thuế một số địa phương cũng không muốn hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp vì khi đó doanh nghiệp không còn trong phạm vi quản lý của họ.

Đại diện Tổng cục Thuế cũng thừa nhận phần lớn những hộ kinh doanh nhỏ lẻ thường không có hóa đơn chứng từ mua bán, ngoài việc họ tự kê khai đóng thuế thì không có gì để chứng minh được doanh thu thực chất của họ khiến ngành thuế khó quản lý.