Mua bán trực tuyến: Tiện lợi, nhưng dễ bị lừa!

ANTĐ - Thời buổi công nghệ số ngày càng phát triển, các dịch vụ mua bán trực tuyến càng có nhiều “đất” hoạt động và mang lại không ít lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó là những biến tướng và “chiêu trò” của phía dịch vụ khiến khách hàng có thể phải “than trời”.

Mua bán trực tuyến: Cả hai bên cùng lợi!

Kinh doanh trực tuyến hiện có rất nhiều lợi thế. Không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư so với việc thuê mặt bằng, thuê người bán, kinh doanh qua Internet còn được hưởng lợi từ xu hướng mạng xã hội phát triển và ngày càng có nhiều người dùng thiết bị kết nối mạng di động (smartphone, tablet), bên cạnh máy vi tính truyền thống.

Anh Hoài Nam, chủ một website chuyên bán quần áo thời trang, chia sẻ: “Nhờ có các kênh quảng bá hiệu quả qua mạng nên mình không phải thuê cửa hàng mặt phố đắt đỏ. Mình bán ở trong ngõ khá sâu trên đường Trường Chinh nhưng vẫn có lượng khách hàng khá ổn. Mọi công sức chủ yếu dồn vào thời gian ngồi máy tính để đăng thông tin rao vặt trên các trang liên kết, mạng xã hội Facebook…”
Theo anh Nam, nhiều người tiêu dùng hiện rất thông minh, họ biết rằng việc lên Internet để tìm hiểu về hàng hóa, dịch vụ sẽ cho thông tin thực và rất cạnh tranh về giá cả, chất lượng.

“Không có chuyện nói thách trên Internet, vì muốn lôi kéo mọi người vào website của mình đã khó, để giữ chân họ tham khảo thông tin và đi tới quyết định mua hàng còn khó hơn. Thế nên nếu để mức giá ngất ngưởng thì không khả thi, giá trên mạng phải là giá thật”, anh Nam bày tỏ.

Công nghệ càng phát triển, các loại hình kinh doanh trực tuyến càng có nhiều cơ hội thăng hoa

Trong khi đó, phía khách hàng cũng nhận được rất nhiều lợi ích từ các dịch vụ trực tuyến.

Bác Nguyễn Văn Hưng (Bách Khoa, Hà Nội) cho biết, có dịp cả nhà cần về tỉnh cách Hà Nội gần 100 km. Nếu thuê xe taxi thì loại 4, 5 chỗ “bình dân” cũng phải hơn 1,5 triệu đồng cho cả lượt đi và về.

“Tôi thử tìm trên Internet và vào được trang web của một dịch vụ cho thuê xe. Giá thuê rất bất ngờ, xe là loại Toyota Fortuner 7 chỗ rất mới, mà chỉ có 1,4 triệu đồng cho gần cả ngày, gồm đi từ sáng sớm, chờ ăn uống tới chiều và về lại Hà Nội. Lái xe cũng rất ý tứ và nghiêm túc. Vì hài lòng với dịch vụ nên tôi đã thỏa thuận để dùng thêm trong các dịp khác. Con tôi cứ hỏi bố có mối ở đâu mà hay thế, nhưng thực ra tôi có biết gì về họ đâu, tất cả là từ Internet mà ra, vừa nhanh vừa hiệu quả”, bác Hưng bộc bạch.

Không hiếm biến tướng và “chiêu trò”

Mặc dù có nhiều tiện ích như vậy song môi trường kinh doanh trực tuyến không hiếm những “chiêu trò”, biến tướng khiến người tiêu dùng có thể phải gánh họa, bị lừa.

Để gây ấn tượng với khách ghé thăm, nhiều chủ website sử dụng dịch vụ quảng bá chuyên nghiệp để xây dựng những nội dung rất “dễ nghe”, như “uy tín, đảm bảo, chuyên nghiệp, chắc chắn sẽ làm quý khách hài lòng”… Cùng với đó là những thủ thuật SEO (Search Engine Optimization) để xuất hiện trên đầu của bảng kết quả tìm kiếm Google. Thế nhưng, thực tế thì chất lượng dịch vụ không hề tương xứng với những lời hoa mỹ đó.

Chị Bích Thảo – một biên tập viên ở Hà Nội – chia sẻ: “Một lần đường ống nước nhà mình bị vỡ, xử lý quá khó nên lên mạng tìm thợ sửa. Mình chọn một dịch vụ hiện lên gần đầu kết quả tìm kiếm, được quảng cáo rất kêu với nhiều lời đảm bảo, giá thì không nói rõ nhưng hứa hẹn sẽ rất vừa túi tiền. Thế mà khi thợ tới, anh ta có thái độ rất khó chịu, đòi tiền công cao và yêu cầu đủ thứ. Cuối cùng, tự mình phải nhờ người thân sửa chứ chẳng thể đáp ứng được anh thợ đó”.

Do có nhiều lợi thế, môi trường kinh doanh trực tuyến đang có tính cạnh tranh rất cao

Không chỉ có vậy, với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều chủ website kinh doanh trực tuyến còn dùng các gói dịch vụ hỗ trợ tăng lượng xem và đánh giá tốt cho họ. Trong đó, các dịch vụ chuyên cung cấp hệ thống tài khoản để gửi những lời đánh giá có cánh cho bên yêu cầu, khiến người tiêu dùng có thể bị mắc bẫy.

Thậm chí, có những chủ website còn thuê loại dịch vụ này để tung ra những lời nhận xét, đánh giá không đúng về các đối thủ cạnh tranh, càng khiến cho thị trường trực tuyến thêm “hỗn loạn”, bởi thông thường, người tiêu dùng chỉ có thể tham khảo thông tin liên quan qua các kênh đánh giá, mạng xã hội mà thôi.

Ngoài ra, một điểm bất cập nữa cần phải nêu ra của thị trường mua bán trực tuyến là chất lượng và hình ảnh thật ngoài đời của sản phẩm đôi khi không giống như ảnh “long lanh” quảng cáo trên website.

“Mình thấy chiếc áo vest thời trang Hàn Quốc rao trên mạng rất đẹp, nhìn phong cách mà giá lại hấp dẫn. Nhưng khi tìm tới nơi bán thì mới thất vọng, vì đó chỉ là vest Trung Quốc được may theo kiểu dáng thời trang Hàn Quốc, chất vải mỏng. Khi mua về giặt thì bị phai màu đáng kể”, anh Thắng – kỹ sư điện ở Hà Nội – cho hay.

Với xu thế công nghệ đang ngày càng phát triển, các loại hình kinh doanh trực tuyến chắc chắn sẽ tiếp tục nở rộ. Vậy nhưng, để thực sự khai thác hết lợi ích của hình thức mua bán này, bên bán phải thực sự “có tâm” nếu muốn tồn tại và phát triển, trong khi bên mua vẫn luôn phải đề cao tiêu chí “hãy là người tiêu dùng thông minh” khi quyết định chọn mua sản phẩm hay sử dụng bất kỳ dịch vụ trực tuyến nào.