Mới có 5% nhôm Việt Nam xuất khẩu vào EU

ANTD.VN - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) mặc dù mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp ngành nhôm của Việt Nam, nhưng muốn tận dụng được ưu đãi từ EVFTA thì còn nhiều thách thức.

Doanh nghiệp ngành nhôm tìm hiểu về EVFTA

Ông Nguyễn Minh Kế - Chủ tịch Hội nhôm thanh định hình Việt Nam cho hay, ngành nhôm trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp nước ngoài ngay tại thị trường nội địa. Ngành nhôm Việt Nam còn rất non trẻ, công nghệ cũng chưa tiên tiến.

"Ngoài ra, sức cạnh tranh của nhôm Việt Nam so với các nước còn rất yếu. Từ tháng 9-2015 nhập khẩu phôi nguyên liệu đầu vào áp thuế 3%, thuế xuất khẩu từ 0% lên 7% rồi điều chỉnh còn 5% khiến xuất khẩu nhôm gặp khó”- Chủ tịch Hội nhôm thanh định hình chia sẻ.

Ông Nguyễn Minh Kế cho rằng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ mở ra hàng loạt cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nhôm nói riêng, song vẫn còn nhiều trắc trở do những yêu cầu khắt khe của EU về xuất xứ, bảo vệ môi trường, lao động…

Theo ông Vũ Văn Phụ- Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội nhôm thanh định hình Việt Nam khu vực Phía Bắc, mới chỉ có 5% nhôm thanh định hình Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU.

“Hàng vào châu Âu phải có chất lượng tốt, xuất xứ hàng hóa đáp ứng yêu cầu. Doanh nghiệp nhôm Việt Nam còn đuối về xuất xứ hàng hóa nên cần khắc phục để khai thác ưu đãi từ EVFTA”- ông Vũ Văn Phụ nói.

Theo đó, hiện nay đa số doanh nghiệp ngành nhôm vẫn phụ thuộc vào nguyên nhập từ Trung Quốc , chỉ có một số doanh nghiệp đã chủ động xây dựng được nguồn nguyên liệu.

Ông Vũ Văn Phụ khuyến nghị các doanh nghiệp cần xây dựng nguồn nguyên liệu riêng hoặc nhập khẩu từ một số thị trường khác ngoài Trung Quốc.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành- nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhôm của Việt Nam chủ yếu đang xuất đi ASEAN, Hoa Kỳ, EU. Xuất khẩu là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp.

Tuy vậy, vị chuyên gia này cũng lưu ý: “Nhu cầu của thị trường về nhôm là rất lớn nhưng để đáp ứng được thì phải chuyển hóa, phải chuyển đổi từ sản xuất thô đến các sản phẩm, chi tiết với công nghệ cao hơn.

Đồng thời, ngoài quy tắc xuất xứ doanh nghiệp cũng phải thỏa mãn các yêu cầu của người tiêu dùng tại các thị trường khó tính như EU đang quan tâm như bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích cho người lao động”.

Sáng 23-7, Hội nhôm thanh định hình Việt Nam khu vực phía Bắc đã chính thức ra mắt. Hội hoạt động dựa trên các mục tiêu như: Đổi mới năng lực cạnh tranh bằng cách xây dựng chuẩn mực sản xuất chung; Thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao, góp phần thiết thực bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng; Tiến tới đẩy mạnh chất lượng và nỗ lực đưa nhôm Việt ra thế giới…