Mạnh tay chặn khoai tây Trung Quốc đội lốt Đà Lạt

ANTĐ - Đà Lạt là địa phương tiên phong cả nước khi vừa ra quyết định cấm nhập khẩu khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt, nhằm  ngăn chặn tình trạng nông sản Trung Quốc “đội lốt” nông sản Việt, lừa dối người tiêu dùng. Nếu nhân rộng những động thái mạnh tay như Đà Lạt, nông sản trong nước sẽ có đất hồi sinh.

Mạnh tay chặn khoai tây Trung Quốc đội lốt Đà Lạt ảnh 1Nhập khẩu, phân loại khoai tây Trung Quốc tại cửa khẩu Lào Cai

Thủ phủ khoai tây cũng la liệt hàng Trung Quốc

Những năm gần đây, khoai tây Đà Lạt thường xuyên bị khoai tây Trung Quốc trà trộn, nhập khẩu từ Lào Cai, Lạng Sơn, rồi theo xe container đổ về chợ nông sản Đà Lạt. Tại đây, các thương lái sẽ trộn đất đỏ (đặc trưng của khoai tây Đà Lạt) để làm giả khoai tây Đà Lạt, rồi xuất đi khắp các tỉnh, thành phố với mác “khoai tây Đà Lạt”. Ban Quản lý chợ nông sản Đà Lạt đã nhiều lần kiểm tra, xử lý vi phạm đối với một số chủ hàng cố tình lập lờ nguồn gốc, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra.

Theo đó, từ ngày 1-11, UBND TP cấm tất cả các tiểu thương trong chợ nông sản Đà Lạt được nhập khẩu khoai tây Trung Quốc vào chợ. Theo lý giải của chính quyền địa phương, động thái này nhằm ngăn chặn tình trạng một số tiểu thương nhập khoai tây Trung Quốc về chợ, rồi “mặc áo” cho khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt, sau đó vận chuyển đi nhiều địa phương tiêu thụ dưới mác khoai tây Đà Lạt. Hành vi gian lận này đã kéo dài trong nhiều năm qua, xâm phạm nghiêm trọng tới thương hiệu khoai tây Đà Lạt và gây thiệt thòi lớn cho người tiêu dùng.

Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết, từ ngày   13-7 đến 14-10, đã có 41 lô khoai tây Trung Quốc với 1.063 tấn được nhập về chợ nông sản Đà Lạt. Hầu hết lượng khoai tây Trung Quốc đưa về chợ nông sản Đà Lạt đều được nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn Lào Cai và Lạng Sơn. Chợ nông sản Đà Lạt có tổng cộng 75 hộ đang kinh doanh, trong đó có tới 24 hộ  kinh doanh khoai tây.

Vào thời điểm khoai tây Đà Lạt khan hiếm hoặc giá cao như hiện nay, gần như 100% các hộ này đều kinh doanh khoai tây Trung Quốc. Theo khảo sát, giá nhập khẩu khoai tây Trung Quốc về đến Lào Cai chỉ từ 1.800-2.000 đồng/kg, sau khi vận chuyển về Đà Lạt, bôi đất đỏ và bán thành khoai tây Đà Lạt, giá sẽ đội lên từ 7-8 lần. 

 Tràn lan nông sản ngoại gắn mác nội

Số liệu từ Hải quan Lạng Sơn cho biết, trong năm 2014, khoai tây Trung Quốc nhập khẩu, thông quan qua các cửa khẩu trên địa bàn là 21.316 tấn, nhưng chỉ 9 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu đã lên tới 34.939 tấn. Tương tự, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, ông Trần Văn Hoàng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VIII (Lào Cai) cho biết, năm 2014, khoai tây nhập qua cửa khẩu Lào Cai là 10.480 tấn. Từ đầu năm 2015 đến nay đã nhập xấp xỉ 8.000 tấn.

Theo ông Trần Văn Hoàng, những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày địa bàn này nhập về khoảng vài chục tấn, ngày cao điểm có thể lên tới xấp xỉ 100 tấn. Khoai tây nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là 2 loại: Khoai tây có vỏ hồng, lòng vàng và khoai tây trắng. Tại các tỉnh phía Bắc, khoai tây nhập qua cửa khẩu Lạng Sơn rồi chở về tập kết tại chợ nông sản Hòa Đình, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh. Từ đây, khoai tây Trung Quốc sẽ được đưa đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố.

Mặc dù lượng khoai tây Trung Quốc nhập khẩu lớn, nhưng theo khảo sát, tại các chợ dân sinh, thậm chí tại các siêu thị lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội, khoai tây luôn được gắn mác khoai tây trong nước hoặc khoai tây Đà Lạt. Trong khi đó, ngay tại Đà Lạt, khoai tây Trung Quốc cũng đang làm mưa, làm gió.

Tình trạng nông sản Trung Quốc gắn mác nông sản Việt lừa dối người tiêu dùng trong nước đã và đang diễn ra phổ biến nhiều năm nay, hầu hết các mặt hàng nông sản đều có tình trạng này. Cải bắp, súp lơ, cà chua Trung Quốc được gắn mác Đà Lạt, bán khắp các chợ, rồi đến các loại trái cây như nho Trung Quốc gắn mác nho Ninh Thuận, cam Trung Quốc gắn mác cam Hà Giang, cam Cao Phong (Hòa Bình),  hồng Trung Quốc đội lốt hồng Đà Lạt, dâu tây Trung Quốc bán rong tràn lan trên các vỉa hè cũng được gắn mác dâu tây Đà Lạt. Với động thái mạnh tay của UBND TP Đà Lạt, nông sản trong nước có thể hy vọng lật ngược thế cờ, giành lại thị trường trong nước.