Lãi suất ngân hàng phân hóa rõ rệt ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên

ANTD.VN - Với kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất các ngân hàng không có nhiều khác biệt nhưng với kỳ hạn từ 6 tháng thì có sự khác biệt rõ rệt, chênh lệch lãi suất lên đến 2%/năm.

Theo khảo sát của phóng viên, đối với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, một số ngân hàng đang áp dụng mức trần được cho phép là 5,5%/năm. Với kỳ hạn 1 tháng, mức lãi suất này được áp dụng tại một số ngân hàng như PGBank, DongABank, HDBank. Một số ngân hàng khác cũng sắp “chạm trần” như VIB, SCB, VietCapitalBank (5,4%/năm); OceanBank, OCB, NCB (5,3%/năm)…

Trong khi đó, khối các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank thì lãi suất cho kỳ hạn 1 tháng ở mức chỉ 4,5%/năm.

Còn với kỳ hạn 6 tháng, do không phải chịu ràng buộc của trần lãi suất thì mức chênh lệch đã khá đáng kể. Trong khi khối big4 ngân hàng quốc doanh vẫn giữ mức 5,5%/năm thì khối các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân mức lãi suất đã lên tới 7,5%/năm.

Lãi suất ngân hàng có sự chênh lệch lớn với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên

VIB dẫn đầu lãi suất với kỳ hạn này, ở mức 7,5%/năm dành cho các khách hàng gửi tiết kiệm trên 100 triệu đồng. Với khách hàng gửi dưới 100 triệu, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất 7,0%/năm.

Còn tại NCB, VietCapitalBank thì áp dụng mức 7,4%/năm không ràng buộc hạn mức gửi; OCB 7,2%/năm; DongABank 7,1%/năm, PVCombank 7,0%/năm. Các ngân hàng còn lại dao động từ 6,1-6,8%/năm.

Như vậy, với kỳ hạn 6 tháng, chênh lệch lãi suất đã lên tới 2%/năm giữa các ngân hàng. Đây cũng là kỳ hạn tiết kiệm có mức chênh lệch lãi suất cao nhất.

Với kỳ hạn 1 năm, mức lãi suất cao nhất là 8,4%/năm, đang được áp dụng tại VIB. Mức 8%/năm đang được áp dụng tại NCB và VietCapitalBank. Khối big4 đang áp dụng mức lãi suất 6,8 – 6,9%/năm cho kỳ hạn này.

Hiện nay, lãi suất cao nhất đang áp dụng trên thị trường là 8,6%/năm, dành cho các khách hàng gửi tiền kỳ hạn 24 và 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ tại VietCapitalBank. Ngân hàng này cũng áp dụng mức lãi suất lên tới 8,5%/năm với kỳ hạn 18 tháng.

Theo quy định của Ngân hàng nhà nước, bắt đầu từ năm 2019, tỷệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ mức 45% xuống 40%. Như vậy, các ngân hàng sẽ phải tăng huy động nguồn vốn trung, dài hạn để không bị “tuýt còi”.

Việc cạnh tranh huy động vốn ở các kì hạn dài được đánh giá như là một trong những công cụ hữu hiệu để các ngân hàng thương mại gia tăng nguồn vốn này.