Lãi suất huy động đồng loạt giảm sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất

ANTD.VN - Theo khảo sát, sau khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng trần lãi suất giảm so với trước đây, hầu hết các ngân hàng đã cập nhật biểu lãi suất mới, trong đó giảm lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn, đặc biệt các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm khá mạnh.

Đợt giảm lãi suất huy động lần này diễn ra trên diện rộng, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước

Đồng loạt điều chỉnh giảm

Đối với nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, Vietcombank giảm 0,2 điểm phần trăm với khoản tiền gửi kỳ hạn từ 1-9 tháng. Theo đó, kỳ hạn 1, 2 tháng giảm từ 4,5%/năm xuống còn 4,3%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống còn 4,8%/năm; kỳ hạn 6-9 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống còn 5,3%/năm. Các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên được giữ nguyên ở mức 6,8% đối với cá nhân và 6,5% đối với doanh nghiệp.

Tương tự, VietinBank cũng giảm 0,2 điểm phần trăm với các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng đến dưới 3 tháng giảm từ 4,5%/năm xuống còn 4,3%/năm; kỳ hạn 3 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,8%/năm; từ 6 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống còn 5,3%/năm. Các kỳ hạn còn lại giữ nguyên và mức lãi suất cao nhất là 6,8%/năm.

Riêng tại BIDV, sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất, ngân hàng này vẫn chưa cập nhật biểu lãi suất mới trên website, kể từ ngày 23-9-2019.

Đối với khối ngân hàng cổ phần tư nhân, Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank) là ngân hàng có mức giảm lãi suất lớn nhất. Theo đó, lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này chỉ còn 8,2%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. Với kỳ hạn 18 tháng được ngân hàng này giảm mạnh từ 8,5%/năm xuống còn 8,0%/năm. Các kỳ hạn từ 24 tháng trở lên giảm mạnh từ 8,6%/năm xuống còn 8,1%/năm (cách đây vài ngày, ngân hàng này cũng đã điều chỉnh giảm từ 8,6%/năm xuống còn 8,5%/năm).

Còn với các kỳ hạn ngắn, mức lãi suất từ 5 tháng trở xuống cũng được ngân hàng áp dụng ở mức 4,9%/năm (3-5 tháng) và 4,85%/năm (1-2 tháng). Ngân hàng Quân đội MB cũng giảm lãi suất 0,1-0,5 điểm phần trăm ở hầu hết kỳ hạn từ ngắn đến trung, dài hạn.

Theo đó, lãi suất kỳ hạn dưới 1 tháng tại ngân hàng này giảm từ 1%/năm xuống còn 0,8%/năm; kỳ hạn 1 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống còn 4,8%/năm; kỳ hạn 2 tháng giảm từ 5,3%/năm xuống còn 5,2%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng giảm mạnh từ 5,5%/năm xuống còn 5%, đáp ứng trần Ngân hàng Nhà nước quy định. Các kỳ hạn còn lại tại MB giảm nhẹ khoảng 0,1 điểm phần trăm, theo đó, lãi suất cao nhất áp dụng tại MB là 7,6%/năm.

Tại TPBank, kỳ hạn dưới 1 tháng cũng được điều chỉnh từ 1%/năm về 0,8%/năm; Các kỳ hạn từ 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng cũng được ngân hàng này điều chỉnh từ mức lần lượt 5,25%, 5,35% và 5,45%/năm về cùng mức 5%/năm. Các kỳ hạn dài tại TPBank cũng giảm từ 0,2 đến 0,3 điểm phần trăm, theo đó lãi suất tiền gửi thông thường cao nhất tại ngân hàng này ở mức 7,5%/năm thay vì 7,8%/năm trước đó.

Nỗ lực giảm lãi suất cho vay

Tương tự,  tại các ngân hàng khác, biểu lãi suất có hiệu lực từ ngày 19-11 hầu hết đã đưa mức lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng từ mức cao nhất 5,5%/năm về 5%/năm theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Các kỳ hạn trung và dài hạn cũng giảm 0,1-0,5%/năm. Khác với các đợt điều chỉnh mang tính cục bộ trước đây, động thái giảm lãi suất lần này đang diễn ra trên diện rộng, bao gồm cả các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước và các ngân hàng TMCP có quy mô vốn vừa và nhỏ.

Cùng với đó, một số ngân hàng cũng công bố giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên, như Vietcombank, MSB… Việc giảm lãi suất cho vay được cho là sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của các ngân hàng nhưng không đáng kể.

Theo báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động trong thời điểm này được hỗ trợ rất lớn bởi yếu tố thanh khoản dồi dào. Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mặt bằng thấp (1,8-2,2%/năm) trong 4 tuần gần đây cho thấy các ngân hàng không còn quá căng thẳng về thanh khoản.

Ngoài ra, động thái giảm lãi suất của các ngân hàng cũng nhằm ủng hộ định hướng của Chính phủ là giảm lãi suất cho vay thêm khoảng 0,5% trong năm 2020. Tuy nhiên, BVSC cho rằng lộ trình thực hiện Thông tư 41 đang đến gần (đầu năm 2020) có thể khiến các ngân hàng chưa đáp ứng được hệ số CAR (hơn 20 ngân hàng) khó có khả năng cắt giảm mạnh lãi suất huy động, đặc biệt tại các kỳ hạn trung và dài hạn.

Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định giảm trần lãi suất huy động, lãi suất cho vay tại các ngân hàng. Theo đó, mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại TCTD không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

Cùng với đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm. Riêng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Đồng thời, giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.