Lại đề xuất đánh thuế tài sản để tăng thu ngân sách

ANTD.VN - Bộ Tài chính vừa hoàn thành báo cáo chuyên đề về chính sách thuế với bất động sản trong đó có đề xuất về việc xây dựng Luật Thuế tài sản.

Việc đánh thuế tài sản, cụ thể là đối với việc sở hữu căn nhà thứ hai được cho là sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản

Bộ Tài chính cho rằng việc nghiên cứu, xây dựng Luật Thuế tài sản là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương về chính sách thuế đối với tài sản, xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế, góp phần bình ổn thị trường bất động sản (BĐS), hạn chế đầu cơ và sử dụng BĐS lãng phí.

Tạo nguồn thu ổn định

Bộ Tài chính cho biết Việt Nam hiện nay chưa có sắc thuế tài sản riêng, nhưng đã có các chính sách thuế chính liên quan đến tài sản như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp... Tuy nhiên, số thuế sử dụng đất hiện nay chỉ chiếm khoảng 0,03% GDP và khoảng 0,15% tổng thu ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng được vai trò là một trong những nguồn thu ổn định cho ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, xét về vai trò điều tiết thị trường BĐS, mức thuế sử dụng đất phi nông nghiệp áp dụng từ năm 2012 trở lại đây chưa đủ lớn để thúc đẩy các cá nhân nhanh chóng đưa BĐS ra giao dịch trên thị trường, góp phần tạo nên sự khan hiếm giả tạo về cung trên thị trường BĐS. 

Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, trên thế giới, thuế tài sản ra đời rất sớm, xuất phát từ thuế đất và đối tượng chịu thuế ngày càng mở rộng. Nguồn thu từ thuế tài sản, đặc biệt thu từ thuế sử dụng đất là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước. 

Cụ thể, tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế (OECD), nguồn thu từ thuế tài sản chiếm khoảng 2% GDP, trong đó Canada khoảng 4% GDP, Hoa Kỳ cao nhất 3% và thấp nhất 1% GDP. Tính trung bình tại các nước phát triển, thuế tài sản chiếm 0,6% GDP, các nước đang chuyển đổi khoảng 0,68% GDP. 

Cũng theo Bộ Tài chính, thị trường BĐS được kỳ vọng phát triển ổn định và bền vững hơn trong thời gian tới khi hàng loạt chính sách mới liên quan có hiệu lực; thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng trong các năm gần đây, việc nắm giữ, sở hữu, đầu tư BĐS của người dân có xu hướng tăng lên. Vì vậy, để có một hệ thống chính sách thuế đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần bình ổn thị trường, hạn chế đầu cơ và sử dụng BĐS lãng phí cần nghiên cứu, xây dựng Luật Thuế tài sản.

Cần cân nhắc kỹ

Thực ra, đề xuất đánh thuế tài sản, mà cụ thể là thuế đối với căn nhà thứ hai trở đi đã được Bộ Tài chính đưa ra vào đầu năm ngoái. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng ủng hộ chủ trương này. Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ở các nước tiên tiến, với căn nhà thứ nhất là căn nhà để ở thì Chính phủ hỗ trợ, còn căn nhà thứ hai thường là để kinh doanh hoặc đầu tư thì sẽ bị đánh thuế.

Chẳng hạn, ở Mỹ không đánh thuế trên giá trị nhà mà đánh thuế trên giá trị đất. Với căn nhà thứ nhất, Chính phủ hỗ trợ người mua nhà bằng cách không đánh thuế phần thu nhập dùng để trả lãi cho các ngân hàng. Với căn nhà thứ hai, tất cả các thu nhập để trả lãi cho ngân hàng đều phải chịu đánh thuế như tất cả các thu nhập khác.

Ông Nguyễn Văn Đính - Tổng Thư ký Hội môi giới bất động sản Hà Nội cũng cho rằng, ở một số nước, việc đánh thuế đối với căn nhà thứ hai là bình thường nhằm hai mục đích: hạn chế đầu cơ và đảm bảo tính nhân văn của xã hội.

“Thực tế nhà, đất cũng là một dạng tài nguyên và để sử dụng, khai thác một cách hiệu quả nhất thì các nước vẫn đánh thuế BĐS ngoài BĐS là nhu cầu thiết yếu (để ở). Bên cạnh đó, việc đánh thuế này cũng nhằm mục đích cân đối lại giữa người giàu - người nghèo, người thừa nhà - người thiếu nhà. Cụ thể là nguồn thuế từ người nhiều nhà có thể dùng để hỗ trợ cho người thiếu nhà. Đó là tính nhân văn của xã hội” - ông Nguyễn Văn Đính nói.

Dù ủng hộ chủ trương này, nhưng ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, ở Việt Nam, việc thực thi chính sách còn khó khăn nên cơ quan lập pháp sẽ còn phải cân nhắc rất nhiều. Trong đó, khó khăn lớn nhất là vấn đề minh bạch trong thị trường BĐS, trong vấn đề sở hữu tài sản và vấn đề đồng bộ với rất nhiều luật khác.