Kinh tế Việt Nam tiếp tục cải thiện

ANTD.VN - Chiều 14-6, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố ấn phẩm: Điểm lại - Báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế Việt Nam.

Báo cáo nhấn mạnh, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục được cải thiện do kết quả vững vàng về thương mại và thu hút vốn FDI, đóng góp vào tổng thặng dư tài khoản vãng lai, ước đạt 6,8% GDP (quý I-2018). Tỷ giá được duy trì tương đối ổn định trong khi dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng, ước đạt khoảng 63 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2018, tương đương 3,6 tháng nhập khẩu. 

Trong bối cảnh lạm phát thấp, chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam tăng nhẹ ở mức 2,8% (so cùng kỳ năm trước) tại tháng 4-2018. Tăng trưởng tín dụng ở mức khá cao và thanh khoản dồi dào có thể làm gia tăng biến động trên các thị trường tài chính ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chính sách tiền tệ trên toàn cầu dự kiến được thắt lại. Nợ công đã có dấu hiệu ổn định lại từ năm 2017, với tổng bội chi ngân sách ước tính sơ bộ ở mức 4,5% GDP. Tỷ lệ nợ công trên GDP giảm còn 61,4% năm 2017 so với 63,6% năm 2016. 

Triển vọng trung hạn của Việt Nam tiếp tục cải thiện kể từ lần ban hành báo cáo trước vào tháng 12-2017. GDP theo giá so sánh dự kiến tăng 6,8% trong năm 2018 trước khi ổn định lại ở mức 6,6% vào năm 2019 và 6,5% vào năm 2020, do sức cầu trên toàn thế giới dự kiến sẽ chững lại. Dự báo lạm phát sẽ ở mức xung quanh mục tiêu 4% của Chính phủ. Cân đối tài khoản vãng lai dự kiến vẫn đạt thặng dư, nhưng có thể sẽ ở mức thấp hơn trong năm tới, do thâm hụt tăng lên ở tài khoản thu nhập và dịch vụ. Bội chi ngân sách và nợ công dự kiến vẫn trong vòng kiểm soát...