Kiến nghị kiểm tra lại lượng gạo tồn kho

ANTD.VN - Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kiểm tra lần nữa lượng gạo tồn kho, sau đó báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc tiếp tục xuất khẩu gạo hay không.

Kiểm tra lại lượng gạo tồn kho tại các doanh nghiệp và trong dân

Chiều 25-3, Bộ Công Thương đã thông tin về việc điều hành xuất khẩu gạo. Theo đó, Bộ Công Thương cho biết, do tác động của dịch Covid-19, nhu cầu gạo đang tăng nhanh trên toàn cầu. Bên cạnh nhu cầu thông thường mà các nước xuất khẩu có thể đáp ứng, đã xuất hiện nhu cầu dự trữ với số lượng lớn khiến cán cân cung cầu mất cân đối cục bộ, giá cả biến động mạnh, tiềm ẩn khả năng gây ra bất ổn xã hội.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đạt 928.798 tấn, tăng 31,7%. Tại một số thị trường, lượng xuất khẩu tăng rất mạnh như: Malaysia tăng 149%, Trung Quốc tăng 595%...

“Đây là nguyên nhân chính khiến giá thóc, gạo trong nước cũng biến động mạnh, tăng khoảng 20 - 25% tùy theo chủng loại. Trong điều kiện xâm nhập mặn vẫn đang diễn ra hết sức gay gắt, ảnh hưởng tới hàng chục nghìn héc-ta trồng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long, nếu xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng với tốc độ như 2 tháng vừa qua, Việt Nam sẽ đứng trước rủi ro thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước”- Bộ Công Thương cho hay.

Trên cơ sở diễn biến tình hình sản xuất, cung cầu, thương mại gạo như trên, tại cuộc họp ngày 23-3-2020 về bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Bộ Công Thương kiến nghị hai phương án gồm: tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo hoặc có thể xem xét cấp giấy phép xuất khẩu gạo.

Trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến kết luận về một số biện pháp để bảo đảm an ninh lương thực, trong đó có việc tạm dừng xuất khẩu gạo từ nay đến hết tháng 5 năm 2020.

Sau khi Thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Bộ Công Thương nhận được ý kiến của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo về việc cần có sự đánh giá lại về sản lượng thóc, gạo vụ Đông Xuân năm nay cũng như lượng tồn kho thực tế trong dân và tại các doanh nghiệp.

Vì thế, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kiểm tra lại lần nữa lượng tồn kho trong dân, lượng tồn kho trong các doanh nghiệp và báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Khi được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ cùng các Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính và cơ quan liên quan khẩn trương làm việc với các tỉnh, thành sản xuất, xuất khẩu gạo trọng điểm và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu tại TP HCM, dự kiến vào ngày mai (26-3).

Trước đó, ngày 24-3, Tổng cục Hải quan đã có văn bản yêu cầu tạm dừng xuất khẩu gạo từ ngày 24-3, ngay lập tức Bộ Công Thương có văn bản đề xuất ngược lại, gây thông tin trái chiều trong dư luận.

Trao đổi với báo chí sáng 25-3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, sau khi Tổng cục Hải quan chỉ đạo, Bộ nhận được ý kiến một số doanh nghiệp, địa phương phản hồi về việc đang có độ vênh nhất định về dự trữ gạo giữa số liệu Bộ Công Thương có được cũng như số liệu các tỉnh và doanh nghiệp nắm được, nhất là sản lượng vụ đông xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, có sự vênh về lượng gạo tồn trong dân và trong doanh nghiệp, đặc biệt là dự trữ 5% của doanh nghiệp phải dự trữ.