Không thể ngăn cấm cho vay ngang hàng, vậy cần có hành lang pháp lý

ANTD.VN - Theo chuyên gia kinh tế, hoạt động cho vay ngang hàng (P2P) đang còn khoảng trống rất lớn về quản lý dẫn đến vừa không thu được thuế, vừa phát sinh vấn đề an ninh trật tự.

Hình thức cho vay ngang hàng (Peer to Peer – P2P) đang bùng nổ trên mạng internet, được quảng cáo là hình thức kết nối người vay và cho vay, thông qua một ứng dụng trực tuyến trên điện thoại di động hoặc máy tính.

Thuận tiện nhưng đang bị thả nổi

Hiện nay, có nhiều trang web, ứng dụng cung cấp dịch vụ này như doctordong, ATMonline, vaytieudung, SHA... với những lời quảng cáo cho vay siêu nhanh, thủ tục đơn giản.

Theo đó, người vay chỉ cần cài ứng dụng trên điện thoại thông minh, đăng ký tài khoản, sau đó tải lên ảnh chụp một số giấy tờ liên quan là đã hoàn tất một bộ hồ sơ để vay tiền. Khi khoản vay được phê duyệt, người vay sẽ nhận được tiền qua tài khoản ngân hàng hoặc điểm giao dịch của bên cho vay.

Còn những người có tiền nhàn rỗi chỉ cần tải ứng dụng, đăng ký tài khoản để trở thành nhà đầu tư. Khi có một khoản vay được phê duyệt, nhà đầu tư nhận được thông báo của ứng dụng. Nếu chấp thuận cho vay, khoản tiền sẽ được chuyển từ tài khoản của nhà đầu tư sang tài khoản ngân hàng của người vay.

Mô hình này được các nhà cung cấp ví như Uber hay Grab trong lĩnh vực tài chính. Hiện các công ty cho vay  P2P cung cấp các gói vay khá đa dạng, từ tín chấp, thế chấp đến mua trả góp như: Vay tín chấp theo lương; vay trả góp theo ngày; vay theo sổ hộ khẩu, hóa đơn điện nước, đăng ký xe máy, ôtô; vay cầm cố tài sản, vay cầm cố ô tô đang thế chấp ngân hàng; vay mua ôtô, nhà trả góp...

Hoạt động cho vay ngang hàng được quảng cáo rầm rộ thời gian gần đây

Ở mặt tích cực việc cho vay và trả nợ khá thuận lợi, nhất là với những khoản vay nhỏ hay với những người khó tiếp cận vốn ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là do chưa có khung pháp lý lên lãi suất hoạt động cho vay ngang hàng đang bị thả nổi.

Hiện với những khoản vay nhỏ, ngoài lãi suất, khách hàng còn phải chịu thêm phí quản lý lên đến 2%/ngày (tương đường 60%/tháng). Không chỉ vậy, do lãi suất quá cáo nên nếu không có khả năng trả nợ, khách hàng có thể đối mặt với những nguy cơ bị đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”.

Cần sớm có hành lang pháp lý

Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng phân tích, cho vay ngang hàng vốn phổ biến tại một số quốc gia phát triển và có hành lang pháp lý rõ ràng.

Ở Việt Nam, mô hình này mới xuất hiện thời gian gần đây nhưng đang có khoảng trống về luật cũng như chưa có cơ quan nhà nước nào chịu trách nhiệm quản lý hoạt động cho vay này. Dù tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng không thể cấm hoạt động cho vay ngang hàng, vì "không ai cấm được các cá nhân cho vay lẫn nhau".

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, quy định hiện hành thì Ngân hàng Nhà nước chắc chắn không quản lý hoạt động cho vay ngang hàng vì họ chỉ quản lý hoạt động cho vay tại các ngân hàng và các tổ chức tài chính.

“Trước đây là tôi có nhu cầu vay tiền, tôi tới ngân hàng để vay. Nhưng bây giờ qua công nghệ thông tin, ta có ứng dụng kết nối người có tiền và người cần tiền, như là Grab hay Uber. Nhưng ta chưa có quy định luật pháp về các bên ngang hàng cho vay”.

Tôi tới ngân hàng hay công ty tài chính thì việc vay được quy định trong Luật các tổ chức tín dụng. Nhưng nếu tôi vay trực tiếp một người nào đó thì chưa có luật nào quy định. Dĩ nhiên, các giao dịch dân sự được quy định trong Luật Dân sự, nhưng luật này cũng không quy định chặt chẽ về lãi suất vay ra sao, trách nhiệm mỗi bên như thế nào... Tôi nhiều cá nhân vay tiền nhau với lãi suất cả trăm phần trăm mỗi năm, nhưng chưa thấy vụ kiện nào về vấn đề này” – chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.

Vì vậy, theo vị chuyên gia này, vấn đề đặt ra là phải có hành lang pháp lý cho hoạt động cho vay ngang hàng. “Quan trọng nhất là Chính phủ, Quốc hội cần có quy định tạm thời, trước khi có luật. Cần quy định cho vay giữa các cá nhân về các vấn đề như lãi suất, phương pháp trả nợ, thu hồi nợ... Đặc biệt, vấn đề thu hồi nợ đang là chuyện rất bức xúc của xã hội...” – chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.