Không được nhận cổ tức bằng "tiền tươi", cổ đông nhiều ngân hàng lại ngậm ngùi

ANTD.VN - Thêm một mùa đại hội cổ đông sắp đi qua, cổ đông của nhiều ngân hàng tiếp tục thất vọng với "điệp khúc" không chia cổ tức hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Tính đến thời điểm này, ngoài Vietcombank, BIDV (là các ngân hàng có vốn Nhà nước), Ngân hàng Quốc tế (VIB), Ngân hàng Á Châu (ACB) và và Ngân hàng Quân đội (MBB) đã hoặc dự kiến có chia cổ tức bằng tiền mặt thì hầu hết các ngân hàng đều trình cổ đông phương án không chia cổ tức hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Nhiều ngân hàng không chia cổ tức

Tại ĐHCĐ Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), một số cổ đông cũng đã lên tiếng thắc mắc vì sao ngân hàng đạt lợi nhuận vượt kế hoạch nhưng không lại trả cổ tức năm 2018. Trả lời câu hỏi này, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết, trong năm nay, ngân hàng dự kiến sẽ mua lại công ty tài chính, đồng thời, thành lập một số công ty mới nên sẽ cần sử dụng số lợi nhuận này. Số lợi nhuận còn lại dự kiến sẽ chia cho cổ đông nhưng sẽ chia bằng cổ tức.

Trước đó, tại ĐHCĐ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), nhiều cổ đông cũng bày tỏ thất vọng khi năm nay ngân hàng này tiếp tục không chia cổ tức.

Lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết, trong điều kiện đang tái cơ cấu, ngân hàng chưa thể chia cổ tức cho cổ đông vì Ngân hàng Nhà nước chưa cho phép. Lãnh đạo ngân hàng này cũng phải động viên cổ đông nên kiên nhẫn chờ đợi và sẽ đề xuất HĐQT ghi nhận những cổ đông gắn bó với ngân hàng 5-10 năm qua.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) trong  ĐHCĐ vừa diễn ra cũng đã quyết định giữ lại toàn bộ lợi nhuận để phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Trước đó, ngân hàng này cũng đã có 7 năm liên tiếp không chia cổ tức và mãi đến năm 2018 cổ đông mới được chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 1:2, nghĩa là cứ 1 cổ phiếu thì được nhận thêm 2 cổ phiếu.

Tương tự, tại ĐHCĐ Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) cũng đã thông qua việc không chia cổ tức năm 2018 mà giữ lại toàn bộ lợi nhuận để bổ sung vốn kinh doanh.

Dù chưa tổ chức ĐHCĐ nhưng trong tài liệu gửi cổ đông, lãnh đạo Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã trần tình việc không chia cổ tức cho cổ đông kể từ sau sáp nhập đến nay, do phải tập trung tái cơ cấu, xử lý các tồn đọng tài chính.

Chia cổ tức bằng cổ phiếu, cổ đông vẫn ngậm ngùi

Một số ngân hàng khác lại chọn phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay. Chẳng hạn Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) đã trình cổ đông thông qua 2 phương án chia cổ tức là: chia toàn bộ cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,03% (tương đương 2.990 tỷ đồng) và để lại toàn bộ lợi nhuận (gần 2.997 tỷ đồng) để tăng vốn điều lệ.

Nhiều ngân hàng trong nhiều năm liền không chia cổ tức

Lãnh đạo VietinBank bày tỏ, nhu cầu tăng vốn của VietinBank là hết sức cấp bách khi các phương án tăng vốn khác đã được khai thác tới hạn. Vì vậy, ngân hàng cần giữ lại lợi nhuận để tăng vốn.

Còn tại ĐHCĐ Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), HĐQT ngân hàng cũng đã trình cổ đông phương án chia cổ tức cho 2 năm 2017 và 2018 bằng cổ phiếu với tổng tỷ lệ 21%.

Chia cổ tức cũng là vấn đề nhiều cổ đông SHB bức xúc nhiều năm qua vì chưa năm nào họ nhận được cổ tức bằng tiền mặt.

Trả lời cổ đông về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển cho biết, khi nhận sáp nhập thì Habubank có khoản nợ liên quan đến Vinashin, nên ngân hàng phải bán cho VAMC và trích lập dự phòng trong 8 năm. Theo yêu cầu của NHNN, ngân hàng cần phải đưa dự phòng xuống dưới 5 năm mới được chia cổ tức, do vậy ban lãnh đạo ngân hàng sẽ cố gắng xử lý xong sớm để thực hiện chia cổ tức trong năm nay.

Ngoài ra, SHB cần tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II, và phục vụ cho sự phát triển của các công ty con nên phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu là khả thi nhất.

Dù không chia cổ tức hay chia cổ tức bằng cổ phiếu thì rõ ràng các cổ đông nhỏ lẻ của nhiều ngân hàng đã nhận về sự thất vọng trong mùa đại hội cổ đông năm nay. Nhất là khi thị trường chứng khoán đang diễn biến không mấy tích cực, các nhà đầu tư đều cần tiền.

Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng, về mặt kỹ thuật, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến giá cổ phiếu; tức là Sở Giao dịch chứng khoán sẽ phải điều chỉnh giảm giá cổ phiếu xuống, do việc trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ khiến giá trị cổ phiếu bị pha loãng.

Tuy nhiên, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu có ảnh hưởng đến giá thị trường hay không còn tùy thuộc vào diễn biến thị trường. Nếu thị trường đang lên, hoặc ngành ngân hàng đang khởi sắc thì giá cổ phiếu sẽ được hưởng lợi, không bị giảm.

“Ví dụ cổ phiếu thị giá 10.000 đồng, trả cổ tức 10% thì Sở Giao dịch chứng khoán sẽ điều chỉnh về 9.000 đồng/cổ phiếu, nhưng nếu ngân hàng đang hoạt động tốt, thị trường đang lên thì nhà đầu tư vẫn sẵn sàng mua mức giá cao, thậm chí cao hơn mức 10.000 đồng” – ông Khánh minh họa.

Ngược lại, nếu thị trường diễn biến tiêu cực thì việc trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ là một tin xấu với cổ đông. “Họ sẽ cảm thấy thất vọng, thậm chí tức giận, như ngân hàng không có tiền để trả cổ tức mà phải in giấy ra để trả” – ông Khánh nói.

Với diễn biến thị trường chứng khoán không mấy tích cực như hiện nay, theo chuyên gia chứng khoán này, việc các ngân hàng nói riêng và các doanh nghiệp trên sàn nói chung chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ khó có tác động tích cực.

“Thời điểm này, thị trường chứng khoán khá trầm lắng. Ai cũng đang thiếu tiền nên khi được nhận cổ phiếu xu hướng là sẽ bán ra để thu tiền về, khiến giá cổ phiếu khó tăng” – vị chuyên gia nhận định.