Khoảng 38 triệu thuê bao di động phải bổ sung thông tin, ảnh chụp

ANTD.VN - Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông, TT-TT) cho biết, sau 10 tháng triển khai (tính đến tháng 2-2018), số lượng tin nhắn rác chặn được trên toàn mạng là khoảng 260 triệu.

Phương thức phát tán tin nhắn rác ngày càng tinh vi, khó kiểm soát

Chiều nay (10-4), Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp viễn thông về việc ngăn chặn tin nhắn rác.

Theo Cục Viễn thông, từ tháng 5-2017, 5 doanh nghiệp đã ký cam kết phối hợp ngăn chặn tin nhắn rác. Sau 10 tháng triển khai (tính đến tháng 2-2018), số lượng tin nhắn rác chặn được trên toàn mạng là khoảng 260 triệu. Số lượng tin nhắn rác đã giảm đi đáng kể.

Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cũng cho hay, tổng lượng phản ánh tin nhắn rác trên đầu số 456 năm 2017 giảm khoảng 80% vo với năm 2016.

Trong khi đó, tính đến hết tháng 3-2018, Viettel đã chặn được hơn 18,182 triệu tin nhắn rác; Tiếp đến là Vietnamobile chặn được hơn 4, 6 triệu tin, VinaPhone chặn hơn 4,418 triệu tin; MobiFone chặn hơn 3,77 triệu tin và Gtel chặn hơn 10.000 tin nhắn rác.

Vietnamobile là nhà mạng có số lượng phát tán tin nhắn rác sang các mạng khác luôn chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 92% trên toàn bộ số lượng tin nhắn rác liên mạng. Sau khi có công văn của VNCERT yêu cầu Vietnamobile chấn chỉnh hoạt động này hồi tháng 8-2017, nhà mạng đã triển khai hệ thống chặn tin nhắn rác vào tháng 11-2017.

Sau 4 tháng hoạt động, số lượng tin nhắn rác liên mạng từ Vietnamobile sang các mạng khác giảm xuống còn 70%.

VNCERT đánh giá, tin nhắn rác đã giảm rất nhiều so với trước đây nhưng vẫn khá phổ biến và thường gia tăng khi nhà mạng tiến hành khuyến mại hoặc dịp lễ Tết. Về nội dung, trước đây tin nhắn rác hầu hết là lừa đảo, mập mờ về cước phí, thì nay nhiều tin nhắn về nội dung bất động sản, SIM số đẹp…

Phương thức phát tán ngày càng chuyên nghiệp, có tổ chức, đầu tư bài bản. Các đối tượng phát tán tin nhắn rác cũng liên tục thay đổi phương thức, số lượng, tần suất, từ khóa nhằm thoát khỏi sự phát hiện của hệ thống kỹ thuật của nhà mạng khiến cho công tác phát hiện và xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Báo cáo của VNCERT cho thấy, phần lớn tin nhắn rác được được phát tán từ SIM rác. “Các đối tượng sử dụng SIM rác, sau khi tài khoản hết sẽ vứt bỏ và dùng các SIM rác khác. Đây là loại tin nhắn rác phức tạp và khó kiểm soát nhất hiện nay”- đại diện VNCERT nói.

Ngoài ra, người dùng điện thoại còn bị làm phiền bởi tin nhắn rác từ các đầu số dịch vụ để quảng cáo dịch vụ, tin nhắn rác từ nước ngoài thông qua website hoặc phần mềm, và từ các dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí trên di động (OTT).

Chưa kể, “rất nhiều tin nhắn rác được gửi tin các nguồn gốc rõ ràng, bị phản ánh là tin nhắn rác như quảng cáo từ nhà mạng, tin quảng cáo từ SIM chính chủ”- VNCERT thông tin. 

Các tháng đầu năm 2018, nội dung tin nhắn rác nhiều nhất là về dịch vụ nội dung, sau đó đến dịch vụ khác. Dịch vụ bất động sản và dịch vụ SIM số có số lượng ít hơn.

Liên quan đến việc triển khai Nghị định 49/2017/NĐ-CP về bổ sung thông tin cho thuê bao di động, ngăn chặn tin nhắn rác, Cục Viễn thông cho biết, các thuê bao có thông tin còn thiếu, chưa chính xác, chưa có bản chụp chứng minh nhân dân trong cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp hoặc thông tin trên bản chụp chứng minh nhân dân khác với thông tin trên bản khai, bản chụp chứng minh nhân dân có dấu hiệu bị làm giả, đều phải cung cấp lại thông tin thuê bao theo quy định và gửi bỏ sung ảnh chụp.

Các doanh nghiệp viễn thông đã gửi tin nhắn, cử nhân viên đến thông báo cho khách hàng để cập nhật, đăng ký lại thông tin. Tính đến ngày 15-3-2018, đã có gần 4 triệu thuê bao trong tổng số 38 triệu thuê bao mà các doanh nghiệp đã xác định là có thông tin chưa đầy đủ, chính xác đã thực hiện việc cập nhật lại thông tin thuê bao. 

Tuy nhiên, nhiều khách hàng chưa nhận thức rõ được vai trò quan trọng của việc có thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác nên dù đã nhận được tin nhắn của doanh nghiệp hoặc nhận được giải thích của các nhân viên song vẫn không hợp tác.