Huy động nguồn điện chạy dầu giá cao vẫn lo thiếu điện

ANTD.VN - Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), dự kiến năm 2019, phải huy động khoảng 2,57 tỷ kWh từ chạy dầu- đây là nguồn điện có chi phí rất cao.

Huy động nguồn điện chạy dầu giá cao vẫn lo thiếu điện ảnh 1

Nguy cơ thiếu điện ngày càng hiện hữu

Cung ứng điện gặp nhiều khó khăn

Ngày 13-11, EVN cho biết, nhu cầu sử dụng điện đến cuối năm tiếp tục tăng cao, sản lượng điện huy động từ các nhà máy thủy điện giảm do lưu lượng nước về và mực nước tại các hồ thủy điện rất thấp so với cùng kỳ nhiều năm nên EVN phải tăng cường huy động nguồn điện từ các nhà máy nhiệt điện than và nguồn điện chạy dầu để đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng.

Cụ thể, ngoại trừ một số hồ thủy điện ở miền Nam và Tây Nguyên có lưu lượng nước tương đương trung bình nhiều năm, nhiều hồ thủy điện lớn ở Bắc Bộ và Trung Bộ đến nay nước vẫn về thấp hơn rất nhiều so với năm 2018 cũng như trung bình nhiều năm.

Mặc dù gần đây có 2 cơn bão số 5 và số 6 gây mưa diện rộng nhưng chỉ ảnh hưởng chủ yếu đến các hồ khu vực Nam Trung Bộ; còn lại mức nước nhiều hồ thủy điện hiện đang thấp hơn so với cùng kỳ 2018 khoảng từ 8 đến 16m.

Điển hình như: hồ Lai Châu thấp hơn 10,5m; hồ Sơn La thấp hơn 15,7m; hồ Hòa Bình thấp hơn 8,2m; hồ Hủa Na thấp hơn 12,3m; hồ Cửa Đạt thấp hơn 11,2m...

Đại diện EVN cho biết: Tổng dung tích hữu ích hiện có ở các hồ chứa thủy điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng gần 11 tỷ m3, trong đó riêng đối với 3 hồ chứa lớn lưu vực sông Hồng (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình) đã thiếu hụt gần 7,3 tỷ m3.

Tổng sản lượng điện huy động từ thủy điện 2 tháng cuối năm dự kiến chỉ đạt 10,6 tỷ kWh, thấp hơn 2,4 tỷ kWh so với kế hoạch năm. Ước tính cả năm 2019, tổng sản lượng thủy điện chỉ đạt 65,3 tỷ kWh, thấp hơn 9,9 tỷ kWh so với kế hoạch năm”.

Bên cạnh đó, việc cung ứng than cho phát điện cũng đang gặp nhiều khó khăn, nguồn khí trong nước suy giảm, công suất các nguồn năng lượng tái tạo đã được đưa vào vận hành và dự kiến tiếp tục tăng cao, mặc dù công suất lắp đặt của toàn bộ các nhà máy điện mặt trời và gió chiếm tỷ trọng khoảng 9% trên tổng công suất nguồn điện cả nước, nhưng sản lượng điện của các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và gió chỉ chiếm khoảng 2,5%.

Để đảm bảo nhiệm vụ cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sản xuất sinh hoạt của người dân, EVN đã tập trung huy động cao sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện than, đồng thời huy động cả những nguồn điện chạy dầu giá cao.

Theo tính toán của EVN, tổng sản lượng nhiệt điện dầu đã phải huy động trong tháng 10 khoảng 400 triệu kWh, bao gồm: các tổ máy của Ô Môn, Cà Mau, Thủ Đức, Phú Mỹ 21, Phú Mỹ 1, Bà Rịa, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2 để đáp ứng phụ tải và tích nước thủy điện phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2020 và cấp điện mùa khô 2020.

Với tình hình công suất và sản lượng dự phòng của các nguồn điện toàn hệ thống trong các tháng còn lại năm 2019 không cao, nước về các hồ thủy điện vẫn không cải thiện, hệ thống điện sẽ phải huy động thêm các nguồn nhiệt điện dầu để đảm bảo nhu cầu phụ tải. Sản lượng nhiệt điện dầu dự kiến khai thác từ nay đến cuối năm có thể lên đến 1,45 tỷ kWh. Nếu tính lũy kế năm 2019, tổng sản lượng dầu dự kiến sẽ huy động là 2,57 tỷ kWh”- đại diện EVN nói.

Tuy vậy, EVN khẳng định đảm bảo cung cấp điện trong các tháng cuối năm 2019. Đối với năm 2020, tính toán cân bằng cung cầu điện đến nay cho thấy, việc cung cấp điện vẫn có thể được đảm bảo nếu không có những yếu tố cực đoan, bất thường (như thời tiết thủy văn, nước về các hồ thủy điện ở mức tương đương trung bình nhiều năm, phụ tải hệ thống không tăng trưởng đột biến, tình hình cung cấp than, khí đáp ứng yêu cầu phát điện...), song sản lượng huy động các nguồn điện chạy dầu có thể ở mức rất lớn, lên tới 8,6 tỷ kWh.

Nguy cơ thiếu điện hiện hữu, tình hình rất cấp bách

Trong cuộc họp mới đây để đánh giá tình hình triển khai các dự án điện trọng điểm, lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định, mối lo thiếu điện đang ngày càng hiện hữu.

Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong 2019-2020 và kéo dài tới 2022-2023, nguy cơ không có dự phòng ở vùng phụ tải cao như: Tây Nam Bộ là rất lớn.

Bộ Công Thương nêu thực tế do điều kiện bất lợi thời tiết với tính cực đoan cao, các thuỷ điện không đủ tích nước, khiến Việt Nam đối mặt suy giảm thị trường năng lượng sơ cấp khi dự báo sẽ phải nhập 20 triệu tấn than vào 2020 và tăng lên 35 triệu tấn than vào 2035. Nguồn khí cũng không đủ phục vụ phát điện cho dự án ở Đông Nam Bộ.

Các năm 2019-2020 hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do hệ thống điện gần như không có dự phòng nguồn điện nên trong năm 2020 có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện.

Các năm 2021-2025, mặc dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu nhưng do hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu phụ tải và xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỷ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỷ kWh (năm 2022). Mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ kWh năm 2025. 

Do đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu nhanh chóng rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện trọng điểm. “Tình hình đang rất cấp bách và chúng ta không thể chậm trễ hơn được nữa”- ông Trần Tuấn Anh nói.