Hàng trăm tỷ tiền vốn Kho bạc Nhà nước vẫn "ngâm" trong ngân hàng

ANTD.VN - Chậm giải ngân đầu tư công dẫn đến nguồn tiền của Kho bạc Nhà nước tiếp tục bị ứ đọng tại các ngân hàng lớn.

Báo cáo kinh doanh quý I của một số ngân hàng vừa công bố vẫn cho thấy một lượng tiền lớn của Kho bạc Nhà nước vẫn ứ đọng tại đây.

Đáng nói, thay vì được thể hiện ở hạng mục tiền gửi thanh toán hay tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp thì một phần lớn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước đã được thể hiện ở mục tiền gửi có kỳ hạn với lãi suất cao hơn.

Điều này đồng nghĩa nguồn tiền gửi này đang được coi là tiền nhàn rỗi kéo dài, dự kiến sẽ còn tồn đọng lâu nữa.

Cụ thể, đến 31/3/2019, tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)  vẫn có tới hơn 74.600 tỷ đồng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, trong đó có tới 53.000 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, còn lại là tiền gửi không kỳ hạn.

Tương tự, tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cũng có hơn 21.000 tỷ đồng tiền gửi thanh toán và tới 49.000 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước.

Như vậy, chỉ tính riêng 2 ngân hàng có vốn Nhà nước, con số tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước đã lên tới hơn 100.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể 2 “ông lớn” khác là Agribank và Vietinbank cùng một số ngân hàng cổ phần khác chưa công bố báo cáo tài chính quý I.

Nguồn vốn của Kho bạc Nhà nước đang có xu hướng "nằm dài" tại các ngân hàng

Trong một báo cáo tiền tệ mới công bố, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã cho biết tính đến cuối năm 2018, chỉ tính riêng lượng vốn Kho bạc Nhà nước gửi tại Vietcombank, BIDV và Vietinbank đã lên đến trên 216.700 tỷ đồng.

Số tiền Kho bạc Nhà nước vẫn tiếp tục ứ đọng tại các ngân hàng thương mại khi lượng trái phiếu kho bạc phát hành mới quý I/2019 là 69.469 tỷ đồng nhưng lượng vốn đầu tư công được giải ngân chỉ khoảng 49.800 tỷ đồng.

Có thể thấy, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn là nguyên nhân chính khiến tiền của Kho bạc Nhà nước chưa thể phân bổ cho các dự án đầu tư, thay vào đó phải gửi ngân hàng để… lấy lãi.

Đối với các ngân hàng, lượng tiền gửi có kỳ hạn lớn đó có tính ổn định cao, tạo thuận lợi cho “tín dụng bán lẻ”. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công lại đưa lại hệ quả lớn cho nền kinh tế.

Theo kế hoạch, Kho bạc Nhà nước vẫn phải thực hiện phát hành trái phiếu kho bạc, trung bình mỗi năm khoảng trên dưới 200.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2019 khoảng 260.000 tỷ đồng.

Kể từ ngày gọi thầu phát hành, số tiền thu về đã được tính lãi dao động 4,2 – 5,9%/năm, khoản tiền lãi này sẽ tiếp tục được cộng dồn sau đó tính vào trong phần nợ quốc gia.

Trong khi đó, tiền gửi Ngân hàng Nhà nước, nếu là tiền gửi thanh toán hay tiền gửi không kỳ hạn thì lãi suất chỉ 1-2%/năm, nếu là tiền gửi có kỳ hạn thì cũng chỉ tương tự lãi suất trái phiếu mà kho bạc phát hành.