Hàng loạt dự án điện chậm tiến độ, miền Nam có thể thiếu 12 tỷ kWh điện vào năm 2023

ANTD.VN - Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), năm 2020, dự kiến sẽ phải huy động 5,2 tỷ kWh điện chạy dầu. Nếu các tổ máy phát điện không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành hoặc không đủ nhiên liệu (than, khí) cho phát điện thì nguy cơ thiếu điện sẽ thành sự thật.

Chỉ có một số ít dự án nguồn điện trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh hoàn thành đúng hạn

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự báo sản lượng điện thương phẩm đến năm 2020 theo các phương án cơ sờ là 235 tỷ kWh và phương án cao là 245 tỷ kWh, theo đó tốc độ tăng trường điện thương phẩm bình quân trong giai đoạn 2016-2020 của các phương án tương ứng là: 10,34%/năm và 11,26%/năm.

Trong các năm 2019 – 2020, dự kiến đưa vào vận hành khoảng 6.900 MW. Hệ thống có thể đáp ứng nhu cầu điện toàn quốc. Tuy nhiên, nguồn nhiệt điện chạy dầu cần phải huy động với sản lượng tương ứng —1,7 tỷ kWh vào năm 2019 và 5,2 tỷ kWh năm 2020.

“Trong trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho phát điện, có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020;

Các năm 2021-2025, mặc dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỷ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỷ kWh (năm 2022), mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ năm 2025”- Bộ Công Thương cho biết.

Theo Bộ Công Thương, tổng công suất các nguồn điện có khả năng đưa vào vận hành cả giai đoạn 15 năm 2016-2030, dự kiến khoảng 80.500MW, thấp hơn so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh khoảng hơn 15.200MW, trong đó chủ yểu thiếu hụt trong các năm từ 2018-2022(với tổng công suất trên 17.000MW).

Nhiều dự án nguồn điện trong giai đoạn này bị chậm sang giai đoạn 2026-2030 và hầu hết là dự án nhiệt điện tại miền Nam. Do đó dẫn đến tình trạng hệ thống điện từ có dự phòng về nguồn điện 20-30% trong các năm 2015-2016, đến năm 2018- hầu như không còn dự phòng và sang giai đoạn 2021-2025 xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cấp điện.

Dự kiến tổng công suất các nguồn điện có khả năng vào vận hành trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 64.200 MW thấp hơn 10.000 MW so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh (72.202 MW).

Nguyên nhân chính dẫn tới việc thiếu điện tại miền Nam tăng cao hơn so với các tính toán trước đây. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, có gần 30 dự án điện thuộc Quy hoạch Điện VII điều chỉnh chậm tiến độ, trong đó đáng chú ý có dự án chậm đến 8 năm.

Bên cạnh đó, số dự án chưa xác định thời điểm, khó đáp ứng tiến độ, thiếu nhiên liệu cũng lên đến hàng chục. Có thể kể đến là các dự án khí Lô B, Cá Voi xanh; Dự án nhiệt điện Kiên Giang 1-2 không đáp ứng tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, thậm chí lùi sau năm 2030; Dự án ô Môn III lùi tiến độ đến năm 2025…

“Trường hợp dự án NĐ Long Phú 1 không đáp ứng tiến độ hoàn thành năm 2023, tình trạng thiếu điện tại miền Nam trong các năm 2024-2025 sẽ trầm trọng hơn”- Bộ Công Thương nhận định.

Ngoài ra, một số vấn đề lớn khác ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung ứng điện như: nhiên liệu, lưới điện truyền tải… cũng đang gặp nhiều vướng mắc, cần được tháo gỡ. Để đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế- xã hội, Bộ Công Thương đã kiến nghị các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện, lưới điện, nhiên liệu; kêu gọi người dân, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để giảm thiểu việc thiếu điện trầm trọng.