Hàng hóa lưu thông trên thị trường nội địa không gắn mác "Made in Vietnam"

ANTD.VN - Đó là một trong những quy định tại dự thảo Thông tư quy định ghi nhãn “made in Vietnam” đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến.

Khai tử cách ghi nhãn "made in Vietnam" với hàng tiêu thụ tại thị trường nội địa

Tại buổi trao đổi thông tin với báo chí thông tin về dự thảo, trả lời câu hỏi “Có thể chỉ ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài, thí dụ như "Made in Viet Nam" hay "Product of Viet Nam" được không?”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, việc ghi nhãn như vậy là không được.

“Thông tư này áp dụng cho hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam nên ngôn ngữ thể hiện bắt buộc phải là tiếng Việt. Chúng ta là người Việt và không có nhu cầu sử dụng tiếng nước ngoài để giao tiếp với nhau”- ông Trần Quốc Khánh nói.

Thông tư này không áp dụng cho hàng nhập khẩu đã có nhãn mác thể hiện xuất xứ không phải xuất xứ Việt Nam. Giải thích cụ thể hơn về nội dung này, ông Trần Quốc Khánh cho hay, Thông tư này áp dụng cho hàng lưu thông trên thị trường Việt Nam. Vì vậy, về nguyên tắc, Thông tư sẽ áp dụng cho cả hàng nhập khẩu vào Việt Nam.

Nếu hàng nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn mác thể hiện xuất xứ không phải xuất xứ Việt Nam thì khi lưu thông trên thị trường, việc ghi nước xuất xứ sẽ được thực hiện theo Nghị định 43/2017. Thông tư của Bộ Công Thương không điều chỉnh các trường hợp này.

Tuy nhiên, nếu hàng nhập khẩu lại gắn sẵn nhãn mác thể hiện đó là "hàng Việt Nam" thì Thông tư này sẽ được áp dụng. Cơ quan chức năng sẽ có quyền yêu cầu người nhập khẩu chứng minh đó là hàng Việt Nam trước khi cho phép hàng hóa được thông quan. Đây là điểm mới, rất đáng lưu ý của Thông tư.

Thông tư quy định việc ghi nhãn “made in Vietnam” đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành. Thời gian qua, tại thị trường Việt Nam, việc thiếu vắng các quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam" đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định 43.

Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.