"Giải cứu" thịt lợn: Đẩy mạnh thu mua, giết mổ, nhưng đầu ra vẫn khó khăn

ANTD.VN - Cuộc giải cứu thịt lợn đang được triển khai trên diện rộng. Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp giết mổ đã vào cuộc thu mua lợn về cấp đông nhưng vẫn còn băn khoăn đầu ra trong thời gian tới. 

Cơ sở giết mổ Minh Hiền tham gia giải cứu thịt lợn

Tại Hà Nội, một số cơ sở giết mổ lớn đã nhanh tay vào cuộc giải cứu lợn giúp nông dân. Giá lợn hơi đã nhích lên. Công cuộc giải cứu thịt lợn đã giúp một số cơ sở giết mổ đang “đìu hiu” bỗng nhiên tấp nập.

Cơ sở giết mổ đang vắng thành đông

Cơ sở giết mổ gia súc tập trung của Công ty CP Thương mại và xuất nhập khẩu Minh Hiền (Bích Hòa, Thanh Oai, Hà Nội) lâu nay luôn trong cảnh đìu hiu vì lượng gia súc (lợn) được thương lái đưa đến giết mổ rất ít. Đã nhiều lần, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại và xuất khẩu Minh Hiền thông tin, cơ sở giết mổ tập trung của Công ty đầu tư rất lớn nhưng chỉ hoạt động cầm chừng, từ 10-15% công suất thiết kế.

Tuy vậy, những ngày gần đây, cơ sở giết mổ này bỗng nhiên lại đông đúc, dây chuyền được vận hành hết công suất để giết mổ cho các công ty chế biến thực phẩm mua lợn giải cứu trong dân dự trữ hàng cấp đông chờ tiêu thụ và chế biến xúc xích, thịt nguội…

Bà Nguyễn Thị Hiền chia sẻ, khoảng 10 ngày nay, các công ty chế biến thực phẩm tăng cường thu mua và thuê công ty giết mổ để dự trữ cấp đông. Hiện tại, lò mổ đang dự trữ cấp đông khoảng 2.000 tấn thịt lợn của một số doanh nghiệp, trong đó có 500 tấn thịt để làm xúc xích, còn lại 1.500 tấn thịt mảnh, các công ty dự trữ sẽ tiêu thụ trong thời gian tới. 

Dự kiến, 2-3 ngày tới, lò mổ sẽ tiếp tục giết mổ và dự trữ khoảng 1.700 con lợn cho HTX chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (Vạn Thái, Ứng Hòa). Để đáp ứng nhu cầu của các công ty về dự trữ hàng cấp đông, lò mổ đã đầu tư 2,5 tỷ đồng kho bảo quản lạnh và xây dựng thêm một trạm biếp áp nhằm duy trì hoạt động của các kho lạnh. Hiện tại, Công ty CP Thương mại và xuất khẩu Minh Hiền trung bình mỗi ngày giết  mổ 300 con lợn để bán cho siêu thị, bếp ăn tập thể, cửa hàng tiện ích.

Tương tự, ông Đào Quang Vinh - Giám đốc Công ty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (Thường Tín) cho biết, đến nay, công ty đang thu mua tại 50 trại lợn ở các tỉnh phía Bắc và Hà Nội với giá 21.000 đồng/kg, sau đó về giết mổ và cấp đông để bán cho các doanh nghiệp pha chế, đóng gói xuất khẩu đi Hà Lan. Tuy nhiên, công ty cũng chỉ thu mua của các hộ dân trong chuỗi thực phẩm mà công ty đang liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ. 

Đừng trông vào “biệt dược”

Tích cực vào cuộc giải cứu thịt lợn giúp nông dân nhưng các công ty giết mổ này cho rằng, khâu tìm đầu ra trong thời gian tới là khá khó khăn. Ông Đào Quang Vinh bày tỏ, sau khi dự trữ một phần xuất khẩu, còn lại bán trong nước, hiện nay, Công ty Vinh Anh chưa có mối nào để tiêu thụ số lượng lớn ổn định lâu dài. Trong khi đó, tiền đầu tư, duy trì kho lạnh rất lớn. Hiện nay, công ty chỉ có kho lạnh với công suất 500 tấn, nếu giết mổ số lượng lớn phải thuê kho trữ đông của các công ty khác với giá 3.000 đồng/tấn/ngày.

Với số lượng thịt giết mổ khoảng vài nghìn tấn thịt thì phải 6 tháng đến 1 năm công ty mới tiêu thụ hết. Vì vậy, số tiền bảo quản trữ đông rất lớn mà giá lợn bán ra thị trường không ổn định, nếu không tính toán kỹ sẽ bị thua lỗ nặng. “Đề nghị các bộ, ngành, chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, đẩy mạnh xúc tiến thương mại giúp công ty kết nối với siêu thị, bếp ăn tập thể tìm đầu ra cho sản phẩm”, ông Đào Quang Vinh kiến nghị.

Hiện nay, cuộc giải cứu thịt lợn vẫn đang diễn ra trên cả nước. Giá lợn hơi trong dân đã tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg, dù chưa thoát cảnh lỗ nhưng đã phần nào giúp giải phóng được lượng đầu lợn đến kỳ xuất chuồng. Hàng triệu nông dân vẫn đang trông ngóng đẩy thông thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc để giúp tiêu thụ lượng thịt lợn đang tồn hiện nay. Tới nay, Bộ NN&PTNT đang xúc tiến đàm phán với Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sang thị trường này.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc đòi hỏi các yêu cầu về mặt kỹ thuật, cụ thể như thịt lợn muốn xuất khẩu sang phải đảm bảo về an toàn thực phẩm, về kiểm dịch theo thông lệ quốc tế. Một điều quan trọng khác là, kể cả đã đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và chuẩn về an toàn dịch bệnh nhưng giá thành chăn nuôi tại Việt Nam đang ở mức cao, rất khó cạnh tranh được với sản phẩm chăn nuôi của nhiều quốc gia.