Giá thịt lợn tăng khiến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% không còn chắc chắn

ANTD.VN - Giá thịt lợn dự báo sẽ còn cao, đặc biệt trong những tháng đầu năm 2020, khiến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% không còn chắc chắn.

Đây là quan điểm của chuyên gia được đưa ra tại Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2019 và dự báo 2020.

Giá thịt lợn tác động mạnh tới lạm phát

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, giá lợn hơi giảm trong 6 tháng đầu năm 2019, từ mức 46.000 – 50.000 đồng/kg xuống thấp kỷ lục 28.000 – 32.000 đồng/kg đầu tháng 6/2019. Từ tháng 7, giá thịt lợn có xu hướng tăng dần và tăng mạnh nhất từ tháng 10 đến nay với mức tăng khoảng 60 – 80% so với tháng 9 và tăng 60 – 95% so với đầu 2019.

Giá các sản phẩm thịt lợn hiện đang ở mức rất cao (lợn hơi 80.000 – 90.000 đồng/kg; giá lợn thành phẩm ở mức 160.000 – 180.000 đồng/kg)

Để bình ổn giá thịt lợn, theo ông Nguyễn Quốc Lân, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt.

Hiện tại có 24 quốc gia với 1.753 doanh nghiệp được cấp phép, có đủ điều kiện xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt động vật vào Việt Nam. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản tới các bộ ngành, đề xuất giảm thuế nhập khẩu thịt gà và thịt lợn.

Về dự báo trong năm tới, đại diện Bộ Công Thương cho rằng giá lợn hơi trong nước có thể tăng vào thời điểm cận Tết, nhưng dự báo khó tăng mạnh, thậm chí có chiều hướng giảm do dịch tả lợn châu Phi đã dần được không chế, đàn lợn ở các trang trại lớn về cơ bản được đảm bảo; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và sự phối hợp, xử lý của các cơ quan quản lý; các doanh nghiệp chủ động nguồn nhập khẩu; nguồn cung các loại thịt gia súc khác được đảm bảo…

Về tác động của giá thịt lợn tăng, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, triển vọng kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2020 đã không còn chắc chắn khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 12 đã tăng tới 5,23% so với cùng kỳ năm trước.

Giá lợn dự báo sẽ còn cao trong những tháng sau Tết

Theo đó, vị chuyên gia đưa ra 3 kịch bản chính. Thứ nhất, nếu giá thịt lợn giảm mạnh ngay trong tháng Tết thì lạm phát trung bình năm 2020 có thể chỉ ở mức 3%.

Tuy nhiên, nếu giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao như hiện nay trong quý I-2020 thì lạm phát trung bình năm 2020 có thể xoay quanh mức 3,5%.

Còn với kịch bản tệ nhất, dịch tả lợn châu Phi chưa kết thúc trong nửa đầu 2020 và lạm phát so với cùng kỳ năm trước chỉ bắt đầu giảm từ giữa năm 2020 thì việc kiềm chế lạm phát dưới 4% tương đối khó khăn, nhất là nếu xu hướng tăng của lạm phát cơ bản vẫn tiếp tục trong những tháng tới.

Với giả dụ các yếu tố khác tác động đến lạm phát như giá dầu, tỷ giá, các dịch vụ y tế, giáo dục… không thay đổi lớn, TS Nguyễn Đức Độ dự báo lạm phát sẽ tăng trung bình khoảng 3,5% (+-0,5%) trong năm 2020.

Nhiều mặt hàng chịu áp lực tăng giá

Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, CPI bình quân năm 2019 tăng 2,79% so với năm 2018 và tăng 5,23% so với tháng 12/2018.

Các nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI trong năm 2019 do một số mặt hàng tăng giá theo quy luật hàng năm như hàng tiêu dùng tăng vào dịp lễ, Tết, trong các tháng cao điểm; giá nhiên liệu, chất đốt tăng theo giá thế giới trong những tháng đầu năm; giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (điện, sách giáo khoa) tăng; giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo mức tăng của lương cơ bản; giá một số vật liệu xây dựng tăng…

Trong nửa cuối năm 2019, mặt bằng giá thị trường trong nước chịu áp lực lớn từ biến động tăng cao của giá thịt lợn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung thịt lợn sụt giảm.

Ở chiều ngược lại, có một số nguyên nhân làm giảm áp lực lên mặt bằng giá, đó là: giá lương thực giảm do nguồn cung trong nước dồi dào, xăng dầu, gas có biến động đan xen; giá dịch vụ viễn thông có xu hướng giảm; công tác điều hành giá cả nhằm kiểm soát lạm phát tốt (tín dụng được kiểm soát tốt, tỷ giá ổn định)…

Trong năm 2020, Cục Quản lý giá nhận định một số mặt hàng có thể có xu hướng tăng giá. Cụ thể, giá xăng dầu không loại trừ khả năng có thể tăng nhẹ do những bất ổn kinh tế, chính trị thế giới.

Giá thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, nguồn cung thịt lợn trong nước hiện đang giảm, việc tái đàn chưa hiệu quả nên dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm 2020.

Cùng với đó, giá dịch vụ y tế dự kiến chịu tác động từ việc điều chỉnh kết cấu chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế (bước 3) và việc điều chỉnh kết cấu chi phí quản tiền lương theo mức lương cơ sở mới. Giá dịch vụ giáo dục sẽ tiếp tục tăng trong năm 2020 theo lộ trình của Chính phủ.

Về giá điện, mặc dù hiện nay chưa có phương án điều chỉnh tăng giá điện trong năm 2020, tuy nhiên nhu cầu sử dụng điện vẫn tăng cao phục vụ sản xuất và tiêu dùng, sẽ tác động tăng CPI.

Ngoài ra, giá đất trong bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 sẽ điều chỉnh tăng khoảng 10 – 20% so với 2019. Giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc có thể tăng theo quy luật vào đầu và cuối năm do nhu cầu mua sắp trong dịp lễ, Tết…