Giá thịt lợn tăng bình quân 68,2% trong 6 tháng đầu năm

ANTD.VN - Giá thịt lợn đứng ở mức cao khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm nay tăng mạnh.

Giá thịt lợn chưa thể "hạ nhiệt" ngay lập tức

Bà Đỗ Thị Ngọc- Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục thống kê) cho biết, ngay từ cuối năm 2019, giá thịt lợn ở mức cao, bình quân tăng trên 11% so với trước đó. Tháng 12-2019, giá mặt hàng này tăng 49% so với tháng 12-2018.

6 tháng đầu năm nay, giá thịt lợn cũng tăng bình quân 68,2%, đóng góp 2,86% vào mức tăng 4,19% của CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay, tức là chiếm gần 2/3 mức tăng CPI bình quân. Kéo theo đó, thực phẩm chế biến tăng theo.

“Giá thịt lợn tăng hoàn toàn do nguyên nhân cung - cầu. Cung thiếu do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Dịch bệnh này đã khiến sản lượng thịt lợn 6 tháng qua giảm 8,8% cùng kỳ năm ngoái, đàn lợn giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để hạ giá thịt lợn. Hy vọng, cuối năm nay, giá thịt lợn mới giảm”- bà Đỗ Thị  Ngọc nói.

Theo Tổng cục thống kê, CPI tháng 6-2020 tăng 0,66% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất. CPI quý II-2020 giảm 1,87% so với quý trước và tăng 2,83% so với cùng kỳ năm 2019.

CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,19% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.  Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Phân tích các tác động lớn đến CPI trong 6 tháng qua, đại diện Tổng cục thống kê cho biết, giá xăng dầu trong nước từ đầu năm nay liên tục giảm do dịch bệnh Covid-19 khiến nhu cầu giảm, hỗ trợ kiềm chế lạm phát.

Theo Tổng cục thống kê, giá xăng dầu 6 tháng qua giảm trên 19% đã góp phần làm giảm 0,81% của CPI. Từ tháng 5- đến nay giảm dần, giá xăng dầu trong nước lại có xu hướng tăng, riêng tháng 6-2020, giá xăng dầu làm CPI tháng 6 tăng mạnh. Dự báo xu hướng giá xăng dầu tăng còn có thể tiếp tục đến cuối năm nay.

Liên quan đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay như Quốc hội đề ra, bà Đỗ Thị Ngọc cho hay, ngoài diễn biến giá xăng dầu có xu hướng tăng, giá thịt lợn ở mức cao thì tháng 9 sẽ đến kỳ điều hành giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình với mức tăng khoảng 5-7%, tác động tăng CPI khoảng 0,3-0,35%...

Việc tăng giá sách giáo khoa lớp 1, tăng giá gas, dịch vụ du lịch- lưu trú vào khoảng tháng 8, tháng 9, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, vui chơi giải trí cũng sẽ khiến CPI tăng lên.

“Tuy vậy, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% vẫn có thể đạt được trong năm 2020”- bà Đỗ Thị Ngọc thông tin.