Giá hàng Tết không biến động nhiều

ANTD.VN - Dự kiến, tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đạt hơn 23.500 tỷ đồng. Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp, siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết. Dự báo, nguồn hàng năm nay khá dồi dào, ổn định và giá cả sẽ không biến động nhiều.

Giá hàng Tết không biến động nhiều ảnh 1Dự kiến dịp Tết Nguyên đán, lượng hàng hóa vẫn dồi dào, giá cả ổn định

Nguồn hàng phong phú

Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp, siêu thị đã có kế hoạch triển khai phục vụ Tết. Đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, đã chuẩn bị và dự trữ các mặt hàng thiết yếu như: thịt bò, lợn, trứng, thủy sản… với tổng trị giá khoảng 1.200 tỷ đồng, phục vụ tại 70 điểm bán lẻ của tổng công ty. Bên cạnh đó, Hapro sẽ tổ chức 22 phiên chợ hàng Việt và 100 chuyến bán hàng lưu động. Về thời gian phục vụ, các chuyến hàng lưu động tập trung bán hàng vào dịp trước Tết, phục vụ nhu cầu của công nhân tại các khu công nghiệp.

Là doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn hàng hóa nhiều năm nay, Công ty cổ phần Nhất Nam đã lên kế hoạch dự trữ 250 tỷ đồng cho hệ thống siêu thị Fivimart, lượng hàng hóa dự trữ tăng 30% so với năm ngoái. Năm nay, không có nguồn ngân sách bình ổn giá nên doanh nghiệp có gặp khó khăn trong việc xoay xở nguồn vốn. Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Hậu - Phó tổng Giám đốc Công ty Nhất Nam, doanh nghiệp cũng đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng dồi dào và cố gắng ổn định giá cả. “Fivimart đã tập trung khai thác thực phẩm tươi sống từ các tỉnh lân cận nên nguồn hàng rất dồi dào. Nếu không có biến động lớn như dịch bệnh thì dự kiến giá cả sẽ ổn định. Tuy nhiên, mặt hàng bánh kẹo, rượu bia nhập khẩu bao giờ dịp Tết giá cả cũng tăng lên một chút, nhất là khi tỷ giá đồng đô la có xu hướng tăng lên nên cũng tác động đến giá cả” - bà Vũ Thị Hậu cho biết. 

Vinmart với các siêu thị và hệ thống cửa hàng tiện ích lớn cũng cho biết sẽ cung ứng đầy đủ hàng hóa và bảo đảm bình ổn giá cả hàng hóa tại hệ thống cửa hàng. Đại diện Vinmart cho biết, công ty đã lên kế hoạch và dự trữ hàng hóa khoảng trên 1.000 tỷ đồng, với trên 400 cửa hàng tiện ích và gần 20 trung tâm thương mại, siêu thị. Công ty cũng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp sản xuất hàng Việt đầu tư trên 100 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp này bán hàng không lợi nhuận trong hệ thống Vinmart.

Công ty CP bánh mứt kẹo Hà Nội cho biết, đã có kế hoạch dự trữ khoảng 350- 400 tấn bánh mứt kẹo. Còn theo Tổng công ty Rượu bia nước giải khát Hà Nội, dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 146 triệu lít bia trong đó có 128 triệu lít bia Hà Nội, 4 triệu lít rượu…

Quản lý chặt giá cả, chất lượng hàng hóa

Sở Công Thương Hà Nội dự kiến, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm, may mặc, điện máy… trong 1 tháng Tết sẽ tăng mạnh. Trong đó, gạo sẽ tăng từ 82.600 tấn lên 88.000 tấn, trong khi nguồn cung hiện tại chỉ đáp ứng được 34% nhu cầu tiêu thụ của nhân dân. Nhu cầu tiêu dùng thịt lợn sẽ tăng từ 12.800 tấn lên 15.300 tấn; thịt bò từ 4.000 tấn lên 4.600 tấn; thịt gà từ 5.100 tấn lên 6.400 tấn; thủy hải sản từ 5.000 tấn lên 5.500 tấn; rau, củ từ 83.300 tấn…

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để chuẩn bị cho nhu cầu này, Sở Công Thương đã chủ động chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị lượng hàng hóa tăng khoảng 10-15% so với năm 2016 với tổng lượng hàng đạt hơn 23.500 tỷ đồng cho 7 nhóm mặt hàng thiết yếu và hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các doanh nghiệp, địa phương, nguồn hàng cung ứng dịp Tết khá dồi dào, không sợ thiếu hàng. Tuy nhiên, theo quy luật thị trường, khi nhu cầu dịp Tết tăng cao thì không tránh khỏi hiện tượng tăng giá, vì vậy vấn đề kiểm soát giá cả, tránh tăng giá, găm hàng được Sở Công Thương đặc biệt lưu ý.

“Hà Nội sẽ cố gắng giữ giá các mặt hàng ở mức ổn định, nếu tăng không tăng quá 5% vì CPI đã đến ngưỡng tối đa 5%, nếu giá hàng hóa tăng sẽ làm rối loạn kinh tế vĩ mô” - ông Lê Hồng Thăng nói.

Cũng theo lãnh đạo Sở Công Thương, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 thành phố tổ chức 3 đoàn kiểm tra, trong đó có 1 đoàn chuyên kiểm tra hàng hóa phục vụ Tết. Thành phố tổ chức 6 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm để kiểm tra trên địa bàn các quận, huyện. Sở Công Thương Hà Nội cũng chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường xây dựng kế hoạch kiểm tra Tết, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm.