Gánh nhiều áp lực, lãi suất cho vay có bị đẩy cao?

ANTD.VN - Lãi suất huy động tăng, nhiều ngân hàng sắp “cạn” room tín dụng. Điều này dẫn đến lo ngại lãi suất cho vay cuối năm có thể bị đẩy tăng.

Đua hút vốn, tăng lãi suất huy động

Hai tháng gần đây, hàng loạt ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động. Đáng nói, nếu như những đợt tăng lãi suất trước đó, chỉ có sự tham gia của các ngân hàng nhỏ thì trong lần này có sự vào cuộc của nhiều ngân hàng lớn như BIDV, Vietinbank, Agribank, Techcombank...

Dù cùng điều chỉnh lãi suất huy động, nhưng do mức điều chỉnh khác nhau, trong đó các ngân hàng nhỏ có mức điều chỉnh lớn hơn nên chênh lệch mặt bằng lãi suất trên thị trường phân hóa càng rõ nét, có những kỳ hạn mức chênh lệch lên tới 2%/năm.

Khảo sát của phóng viên, con số lãi suất huy động cao nhất hiện vẫn đang thuộc về Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) với mức 8,6%/năm cho kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.

Tiếp đến là PVComBank với mức lãi suất lên tới 8,5%/năm áp dụng với khoản tiền gửi có kỳ hạn 13 tháng và 24 tháng. TPBank đang áp dụng mức lãi suất cao nhất là 8,4%/năm đối với kỳ hạn 24 tháng và số tiền từ 100 tỷ đồng trở lên.

SeABank, Bắc Á Bank, Ngân hàng Quốc dân (NCB), Eximbank... đều duy trì mức lãi suất cao nhất dành cho các kỳ hạn dài trong khoảng 8% - 8,2/năm.

Như thường lệ, nhóm các ngân hàng lớn và tâm trung đang duy trì mức lãi suất khá thấp, dù có điều chỉnh trong thời gian gần đây. BIDV, Agribank, Vietcombank, Vietinbank, Techcombank đều duy trì mức lãi suất cao nhất dưới 7%/năm. Trong đó, Vietcombank hiện có mức lãi suất thấp nhất với mức tối đa là 6,5%/năm.

Cuối năm các ngân hàng điều chỉnh lãi suất để tăng sức cạnh tranh huy động vốn

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến các ngân hàng tăng lãi suất huy động thời điểm này, như  ngân hàng cạnh tranh thị phần huy động, huy động vốn đang thấp hơn tăng trưởng tín dụng, nhu cầu vốn cuối năm, áp lực đưa tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống còn 40% vào đầu năm tới…

Cùng với đó, thanh khoản cục bộ một số ngân hàng yếu, khan vốn đã dâng lãi suất cao; trong khi các ngân hàng lớn lại dư thừa thanh khoản, huy động vốn dễ dàng nên tình trạng chênh lệch lãi suất huy động giữa hai nhóm ngân hàng là dễ hiểu.

Khó có khả năng lãi suất cho vay tăng

Từ nay tới cuối năm, nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp như thường lệ sẽ tăng cao để chuẩn bị cho việc mua sắm, sửa sang nhà cửa, doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng Tết..

Một số ngân hàng đã sắp “cạn” room tín dụng, trong khi Ngân hàng Nhà nước khẳng định chủ trương sẽ không xem xét, điều chỉnh tăng trưởng tín dụng từ nay đến hết năm 2018 (ngoại trừ những trường hợp đặc biệt) nhằm hướng tới mục tiêu kiềm chế lạm phát và đảm bảo an toàn hệ thống.

Điều này dẫn đến lo ngại mặt bằng lãi suất sẽ bị đẩy lên cao vì nhu cầu vốn lớn, trong khi việc đáp ứng của hệ thống ngân hàng sẽ bị hạn chế.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia tài chính, điều này không quá đáng ngại. Chuyên gia này cho rằng dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng nhưng năm nay đã có sự dịch chuyển đáng kể.

“Có thể thấy trong năm 2017 và những tháng đầu năm nay, chúng ta đã thu hút được một lượng vốn rất lớn từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thông qua huy động vốn từ thị trường chứng khoán. Do vậy mà nhu cầu vốn từ hệ thống ngân hàng có xu hướng giảm xuống, áp lực lên mặt bằng lãi suất sẽ không quá “căng” – chuyên gia này nhận định.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng khó có khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng. Tuy nhiên, không ngoại trừ lãi suất cho vay tăng thời gian tới vì vấn đề huy động vốn, tăng lãi suất kỳ hạn dài và nhiều món cho vay là trung và dài hạn.