Gần 39 triệu tỷ đồng đổ vào sản xuất kinh doanh nhưng lợi nhuận không cao

ANTD.VN - Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến thời điểm 31-12-2018, tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đạt 38,93 triệu tỷ đồng, tăng 18% so với cùng thời điểm năm 2017.

Cần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã

Lợi nhuận của doanh nghiệp đạt thấp

Sáng nay (28-4), Tổng cục Thống kê công bố “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020”. Theo kết quả khảo sát, thống kê của Sách trắng, tính đến hết năm 2018, cả nước có 610.637 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD), tăng 9,0% so với thời điểm 31-12-2017. Tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD đạt 38,93 triệu tỷ đồng, tăng 18% so với cùng thời điểm năm 2017.

Trong đó, có 269.169 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, chiếm 44,1%; có 45.737 doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn, chiếm 7,5% và 295.731 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, chiếm 48,4%.

Theo Tổng cục thống kê, năm 2018, hiệu suất sử dụng lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp đạt 15,3 lần, tăng 1,04 lần so với năm 2017; chỉ số nợ 2,1 lần, bằng 0,85 lần năm 2017; chỉ số quay vòng vốn đạt 0,6 lần, bằng 0,96 lần năm 2017.

Đáng chú ý, hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) đạt 2,4%, chỉ bằng 0,85 lần năm 2017; hiệu suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữn (ROE) đạt 7,6%, chỉ bằng 0,76 lần năm 2017; hiệu suất sinh lợi trên doanh thu thuần (ROS) đạt 3,8%, bằng 0,89 lần năm 2017.  Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thường có hiệu suất sinh lợi mang giá trị âm. Doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng thu được ít lợi nhuận hơn các lĩnh vực khác.

Sách trắng doanh nghiệp 2020 cũng cho biết, năm 2019, bình quân cả nước có 7,9 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân. Có 8/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân cao hơn bình quân cả nước gồm: TP HCM có 26,5 doanh nghiệp; Đà Nẵng có 19,8 doanh nghiệp; Hà Nội có 19,3 doanh nghiệp; Bình Dương có 12,9 doanh nghiệp; Hải Phòng có 9,8 doanh nghiệp; Khánh Hòa có 9,0 doanh nghiệp; Bà Rịa - Vũng Tàu có 8,8 doanh nghiệp và Bắc Ninh có 8,2 doanh nghiệp.

Người lao động TP HCM, Hà Nội có thu nhập cao nhất cả nước

Về thu nhập bình quân của người lao động, năm 2018, thu nhập bình quân tháng một lao động của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đạt 8,82 triệu đồng, tăng 6,6% so với năm 2017.

Trong đó, khu vực dịch vụ có mức thu nhập bình quân một lao động một tháng năm 2018 đạt cao nhất với 10,19 triệu đồng, tăng 8,4% so với năm 2017 (trong đó, ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức thu nhập bình quân lao động đạt cao nhất trong các ngành kinh tế với 22,35 triệu đồng);

Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 8,16 triệu đồng, tăng 5,2% (trong đó ngành sản xuất và phân phối điện có mức thu nhập bình quân đạt cao nhất với 16,13 triệu đồng); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức thấp nhất trong các khu vực kinh tế với 5,39 triệu đồng, tăng 2,7% so với năm 2017.

Nếu phân theo loại hình doanh nghiệp, so với năm 2017, khu vực doanh nghiệp Nhà nước có mức thu nhập bình quân tháng một lao động trong năm 2018 đạt cao nhất với 12,56 triệu đồng, tăng 5,6%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 7,87 triệu đồng, tăng 6,8%; khu vực doanh nghiệp FDI 9,70 triệu đồng, tăng 7,4%.

Theo quy mô doanh nghiệp, thu nhập bình quân tháng của một lao động năm 2018 tăng dần theo quy mô doanh nghiệp từ siêu nhỏ đến lớn. Tuy nhiên, tốc độ cải thiện thu nhập của doanh nghiệp siêu nhỏ lại cao nhất trong các loại hình doanh nghiệp.

Theo Sách trắng doanh nghiệp 2020, TP HCM, Hà Nội… vẫn là nơi hấp dẫn lao động khi thu nhập bình quân một tháng của lao động đứng cao nhất nhì cả nước. Cụ thể, con số này ở TP HCM là 10,3 triệu đồng/ người/tháng; Hà Nội 10,1 triệu đồng/người/tháng; Đồng Nai 9,8 triệu đồng/người/tháng; Quảng Ninh và Bắc Ninh cùng có mức thu nhập 9,5 triệu đồng/người/tháng; Bà Rịa - Vũng Tàu 9,3 triệu đồng/người/tháng.

Ngược lại, người lao động tại Điện Biên, Đắk Lắk, Sơn La có mức thu nhập thấp nhất cả nước, lần lượt chỉ 4,3 triệu đồng/người/tháng; 4,6 triệu đồng và 4,9 triệu đồng/người/tháng.

Theo Sách trắng Hợp tác xã (HTX) Việt Nam năm 2020 công bố sáng nay, đến hết năm 2018, cả nước có 22.861 HTX, tăng 8,8% so với thời điểm 31-12-2017. Tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh của HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh cuối năm 2018 đạt 226.554 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng thời điểm năm 2017.

Năm 2018, tổng doanh thu thuần của toàn bộ khu vực HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đạt 88.586 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2017, tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng nguồn vốn của HTX (1,8%).