​Fitch giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, điều chỉnh triển vọng từ tích cực xuống ổn định

ANTD.VN - Tổ chức Fitch Ratings (“Fitch”) vừa thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB và điều chỉnh triển vọng từ Tích cực sang Ổn định.

Tín dụng của Việt Nam chưa bị ảnh hưởng

Cơ sở Fitch điều chỉnh triển vọng tín nhiệm từ Tích cực sang Ổn định phản ánh đánh giá của tổ chức này về tác động ngày càng lan rộng của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện tín dụng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, thông qua các kênh xuất khẩu, du lịch và sự giảm sút của tổng cầu.

Thông tin thêm về việc xếp hạng này, Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, việc Fitch xác nhận giữ nguyên bậc tín nhiệm quốc gia ở mức BB phản ánh nhận định các điểm sáng về tín dụng của Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng, trong đó bao gồm tiềm năng phát triển vững chắc trong trung hạn, môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; gánh nặng nợ Chính phủ được kiểm soát ở mức thấp và khả năng tiếp cận nguồn tài chính đối ngoại thuận lợi hơn so với các quốc gia cùng nhóm xếp hạng.

Tổ chức này cũng đánh giá cao việc Việt Nam đã tận dụng điều kiện kinh tế thuận lợi trong những năm qua để củng cố tình hình tài khóa và tích lũy dự trữ ngoại hối, góp phần tăng mức đệm dự phòng trước những rủi ro vĩ mô.

Fitch điều giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB

Trong tháng vừa qua, Fitch đã có động thái điều chỉnh đánh giá tín nhiệm tiêu cực đối với 19 nước trên toàn cầu, trong đó 12 quốc gia bị hạ bậc tín nhiệm và 7 quốc gia bị hạ triển vọng.

“Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan đã và đang phối hợp chặt chẽ, cập nhật thông tin cho Fitch về tình hình kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh tiếp diễn. Qua đó, Bộ Tài chính tin rằng Fitch cũng như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác sẽ có thông tin đầy đủ để đưa ra nhìn nhận đúng đắn, tích cực về hồ sơ tín dụng của Việt Nam trong tương lai” – Bộ Tài chính cho biết.

Tăng trưởng GDP năm nay có thể giảm xuống 3,3%

Ngoài ra, Fitch dự báo do đại dịch, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ giảm xuống còn 3,3% vào năm 2020, từ mức 7,0% vào năm 2019.  Đây sẽ là tốc độ tăng trưởng hàng năm thấp nhất kể từ giữa những năm 1980.

Fitch thừa nhận, dự báo về tăng trưởng năm 2020 rất không chắc chắn và có nguy cơ GDP còn giảm thêm, tùy thuộc vào diễn biến của đại dịch, cả ở Việt Nam và cũng như các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

“Cho đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số lượng mắc Covid-19 tương đối thấp, nhưng có thể tăng lên và phần lớn cả nước đã phải hạn chế các hoạt động kinh tế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh”, báo cáo của Fitch nêu.

Theo nhận định của tổ chức này, các ngành du lịch và xuất khẩu đặc biệt dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh. Du lịch đóng góp trực tiếp 10% GDP  nhưng đóng góp của nó vào GDP nói chung cao hơn con số này thông qua các tác động gián tiếp.  Lượng khách du lịch trong tháng 3/2020 giảm khoảng 68% so với cùng kỳ.

Về xuất khẩu, Fitch cũng cho rằng, các thị trường lớn của Việt Nam đang suy giảm, bao gồm Mỹ và Trung Quốc. Xuất khẩu yếu khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất bị ảnh hưởng. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý 1/2020 ước tính đạt 3,9 tỉ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo nhận định của Fitch, tài khoản vãng lai Việt Nam sẽ chuyển sang thâm hụt nhẹ vào năm 2020, từ mức thặng dư khoảng 3,0% năm 2019, do xuất khẩu, du lịch và kiều hối giảm, tuy nhiên sẽ thặng dư trở lại năm 2021 khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi.

Với các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ với doanh nghiệp, người dân, Fitch cho rằng, thâm hụt ngân sách năm 2020 sẽ tăng lên 6,5% GDP từ mức ước tính 3,4% vào năm 2019. Điều này sẽ khiến tổng nợ của chính phủ tăng lên 42,5% GDP, từ khoảng 38% GDP vào năm 2019.

Theo đánh giá của Fitch, các giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện thời gian qua như: cắt giảm lãi suất, chỉ điều chỉnh nhẹ tỷ giá (mức giảm ít hơn nhiều các nước trong khu vực), dự trữ ngoại hối đạt mức cao kỷ lục 78,5 tỷ USD vào năm 2019… khiến tỷ lệ thanh khoản của Việt Nam có khả năng vẫn vượt xa mức trung bình của “BB”, ở mức khoảng 300%.

Với các triển vọng này, Fitch kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi vào năm 2021, với mức tăng trưởng dự kiến là 7,3% khi sức cầu trong và ngoài nước dần hồi phục, xuất khẩu, du lịch và FDI tăng trở lại.