EVFTA được ký kết: "Chơi" với người bạn ở tầm cao sẽ buộc mình phải nỗ lực"

ANTD.VN - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) được ký kết ngày 30-6-2019 tại Hà Nội sẽ đem lại những cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Không  chỉ giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩu, EVFTA còn góp phần giúp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh.

Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tự hoàn thiện hơn để đáp ứng yêu cầu của thị trường EU

Ông Mạc Quốc Anh- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội đã trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Sau 8 năm đàm phán, EVFTA đã chính thức được ký kết tại Hà Nội. Ông đánh giá thế nào về cơ hội EVFTA mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam?

- Đây là tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp. Vấn đề doanh nghiệp quan tâm nhất là hàng rào thuế quan của EU sẽ được gỡ bỏ theo lộ trình đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Qua EVFTA, việc xuất khẩu sẽ vô cùng thuận lợi.

Không chỉ gia tăng về sản lượng, để vào được thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam phải hoàn thiện hơn về công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư trong khối EU sẽ đầu tư vào Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam sẽ giảm thuế cho các nước EU. Hàng hóa các nước châu Âu có chất lượng cao sẽ vào Việt Nam dồi dào hơn, qua đó người tiêu dùng được hưởng lợi mua hàng chất lượng cao với giá hợp lý hơn.

Còn thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi EVFTA được ký kết và có hiệu lực là gì, thưa ông?

- Cạnh tranh trong hiệp định là cạnh tranh đa chiều. Chúng ta cũng phải nâng cao khả năng cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu của khối EU.

Trước nay, chúng ta phần lớn cung cấp hàng hóa cho thị trường ở tầm trung, nhưng ở khối này thì yêu cầu hàng hóa chất lượng cao hơn, tiêu chuẩn và quy định ngặt nghèo hơn.

Mặc dù vậy, cạnh tranh cũng làm cho doanh nghiệp và thị trường của chúng ta tốt lên, bởi khi ta chơi với một người bạn ở tầm cao, thì buộc mình phải phấn đấu. Khi chúng ta đã có thể cạnh tranh ở thị trường khó tính này thì vào các thị trường khác sẽ dễ dàng hơn.

Với thực lực của doanh nghiệp Việt Nam bây giờ thì liệu việc đáp ứng tiêu chuẩn cao của EU có quá khó không, thưa ông?

- Dĩ nhiên là khó, vì cạnh tranh phải khó, song đây là cơ hội cho chúng ta đầu tư, đổi mới, sáng tạo.

Thị trường khó tính như vậy sẽ giúp chúng ta có tầm nhìn chiến lược xa hơn.

Trước nay ta chỉ sản xuất thô, giờ phải sản xuất tinh hơn. Với những ngành hàng chủ lực, là thế mạnh của chúng ta như: nông sản, thực phẩm, dệt may, da giày, dược phẩm… ta vẫn có nhiều thế mạnh.

Những sản phẩm này của chúng ta đã được các nước trên thế giới đánh giá cao, chúng ta đã biết xây dựng quy trình, thương hiệu và tham gia được chu trình liên kết giúp chúng ta tốt lên.

Có ý kiến so sánh EVFTA mang lại lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam không kém gì CPTPP. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

- Mỗi hiệp định có thế mạnh riêng. Hiện tại thì hiện Mỹ chưa tham gia CPTPP. Nếu Mỹ tham gia CPTPP thì CPTPP sẽ rất tốt. Trong khi đó, đàm phán EVFTA cụ thể hơn vì bản thân EVFTA là bạn hàng truyền thống.

Mặt khác, khối EU có nền văn hóa thống nhất hơn, CPTPP có văn hóa khác nhau, địa bàn rộng nên doanh nghiệp của chúng ta se gặp khó khăn hơn về văn hóa, logistic. EU còn sử dụng 1 đồng tiền chung trong khi mỗi nước thành viên CPTPP sử dụng 1 đồng tiền khác nhau.

Doanh nghiệp Việt Nam thường kêu thiếu thông tin về các FTA nên chưa tận dụng hết cơ hội từ các FTA này. Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội đã có những hoạt động gì để tuyên truyền về EVFTA nói riêng và các FTA khác nói chung đến doanh nghiệp?

- Hiệp hội đã phối hợp với các sở ban ngành, trung tâm xúc tiến đầu và tư du lịch Hà Nội tổ chức đào tạo, in kỷ yếu phát cho doanh nghiệp; Tuyên truyền thông qua hệ thống của sở ban ngành, website, Fanpage… đều thông tin về các Hiệp định này.

Chúng tôi cũng phổ biến thông tin về các FTA tại các diễn đàn xúc tiến thương mại; Tuyên truyền, tập huấn cho bộ phận pháp chế, kinh doanh, marketing của doanh nghiệp, kết nối với tham tán thương mại các nước trong khối để họ có thông tin thị trường.                                                                - Xin cảm ơn ông!

TS. Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương): GDP Việt Nam có thể tăng 0,5%/mỗi năm nhờ EVFTA

Với những cam kết sâu rộng về mở cửa thị trường cả về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư; bảo đảm các yếu tố của quá trình tái sản xuất hàng hóa và dịch vụ dịch chuyển tự do hơn giữa các thành viên tham gia Hiệp định, có thể nói, EVFTA sẽ tác động hầu khắp các ngành/lĩnh vực trong nền kinh tế của Việt Nam.D

Dự kiến, khi EVFTA có hiệu lực sẽ tác động làm tăng GDP của Việt Nam 0,5% mỗi năm và đến năm 2025 sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP thêm 7 - 8% theo xu hướng tăng trưởng hiện tại.

Các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ EVFTA là: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu, bia…

Trong đó, xuất khẩu tăng dự kiến sẽ đạt cao nhất ở các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; may mặc, hàng da; hóa chất, sản phẩm da và nhựa; thiết bị, phương tiện vận tải; máy móc, thiết bị khác. Trong khi nhập khẩu dự kiến cũng sẽ tăng ở hầu hết các ngành.

Những ngành mà chúng ta sẽ chịu lép vế gồm: cơ khí, chế tạo; nông sản (một số sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, chăn nuôi…); thủy sản và một số lĩnh vực trong ngành dịch vụ (hậu cần thương mại, bản lẻ…).                                                                    Vân Hằng (ghi)