Du lịch Tây Bắc: Làm thế nào hút khách ngoại?

ANTD.VN -Tây Bắc từ lâu đã được biết đến như một địa điểm du lịch đặc sắc. Nhưng bao năm qua, những chuyến khách đến và đi vẫn để lại sau lưng một Tây Bắc nghèo nàn, một Tây Bắc mà cả lượng khách lẫn nguồn thu từ du lịch chỉ dừng lại ở con số vô cùng khiêm tốn.

Tây Bắc đẹp, và Tây Bắc… nghèo

Nhắc đến Tây Bắc là nhắc tới một miền đất sở hữu vẻ đẹp khó cưỡng của thiên nhiên hùng vĩ và khác lạ, với cao nguyên đá Đồng Văn, di thắng quốc gia Mù Căng Chải, nóc nhà Đông Dương Fansipan, đèo Mã Pì Lèng, cánh đồng hoa mận Mộc Châu mênh mang,… hay nét độc đáo từ văn hóa đặc trưng của hơn 32 dân tộc thiểu số nơi đây.

Vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí và phong phú cả về thiên nhiên lẫn đời sống đã tạo nên một Tây Bắc đầy cuốn hút, để rồi ai đã từng một lần đặt chân tới những cao nguyên đá chênh vênh, tới khu rừng cheo leo sở hữu thảm thực vật đặc sắc, tới những cánh đồng hoa tam giác mạch bất tận,… sẽ không bao giờ có thể quên lãng. Nhiều bức ảnh, nhiều tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng hay được sáng tác từ miền đất bí ẩn này đã gây ấn tượng mạnh hay đạt những giải thưởng lớn.

Tây Bắc khác biệt. Tây Bắc là để yêu. Và Tây Bắc… nghèo. Theo kết quả điều tra của Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững, Tây Bắc đứng đầu với số hộ nghèo chiếm 55% tổng số hộ dân. Thất nghiệp, thiếu ăn, không có nguồn thu… là điều thường trực đằng sau vẻ đẹp “vạn người mê” của Tây Bắc.

Và hành trình đưa đô la lên núi

Theo thống kê của Bộ văn hóa, thể thao và du lịch, lượng khách lên Tây Bắc trong vài năm gần đây có tăng, tuy nhiên nếu so với tổng lượng du khách của cả nước, thì quy mô của du khách tới Tây Bắc chỉ chiếm con số vô cùng ít ỏi: 5-7%. Đặc biệt, thời gian lưu trú của du khách chỉ dừng ở ngưỡng dưới 1,5 ngày, và chi tiêu dành cho Tây Bắc là không đáng kể.

Trong khi đó, Tây Bắc đã, đang và luôn luôn là điểm đến vô cùng được yêu thích không chỉ của các du khách từ mọi vùng miền mà còn của đông đảo bạn bè quốc tế. Vì sao lại có nghịch cảnh trên?

Bởi vì Tây Bắc mà chúng ta đang có chỉ để ngắm. Mà ngắm thì hẳn là không thu được tiền. Hạ tầng kém, cơ sở lưu trú thiếu thốn, du lịch nghỉ dưỡng gần như bằng 0 là lý do khiến du khách không thể nán lại nơi đây, dù muốn, và không thể đóng góp vào nguồn thu của Tây Bắc, dù đô la cứ ghé qua, rồi lại nằm yên trong ví đi về.

Nhưng Tây Bắc không thể nghèo mãi. Những người dân không thể cứ ngồi đợi những đồng tiền cứu trợ từ trung ương, từ những người hảo tâm cần mẫn chở từng xe hàng, nào quần áo, nào đồ ăn… lên nơi đây. Chính quyền địa phương cũng không thể mãi ngồi đợi ngân sách trung ương rót về.

Ai cũng hiểu, để thoát khỏi nghèo đói, người dân cần sinh kế bền vững, chính quyền cần nguồn thu để tái đầu tư cho các hoạt động y tế, giáo dục và giảm nghèo... Nhưng nhiều chính sách thu hút đầu tư đã đưa ra vô cùng ưu đãi mà Tây Bắc vẫn như nàng công chúa ngủ quên mà chưa có các chàng hoàng tử- những nhà đầu tư đủ dũng cảm đến để đánh thức.

Lợi thể vượt trội của Tây Bắc là du lịch. Đã đến lúc “kho báu” này cần được khai thác đúng tầm và bài bản, để ngành công nghiệp không khói giàu tiềm năng sẽ tạo sức bật cho Tây Bắc, làm giàu mạnh cho vùng phên dậu của Tổ quốc.

Phát triển du lịch núi, tạo ra những sản phẩm nghỉ dưỡng đặc trưng trên núi, khai thác những loại hình du lịch đường sông hoặc tạo ra những ngôi làng resort để người dân bản địa trở thành chủ nhà mến khách… Có nhiều cách để làm mới du lịch Tây Bắc, để tạo công ăn việc làm cho người dân 6 tỉnh Tây Bắc, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và đem đến một bộ mặt mới đẳng cấp cho du lịch Tây Bắc.

Những việc này đương nhiên khó, nhưng nếu các cơ quan quản lý cùng những nhà đầu tư uy tín và có tiềm lực sẵn sàng và đủ nhiệt huyết để khai lộ “kho vàng” và biến tiềm năng thành hiện thực, thì chắc chắn, đô la sẽ lên núi và người dân nơi đây sẽ không còn mòn mỏi ngồi chờ nhận hàng cứu trợ mỗi khi mùa đông về.