Doanh nghiệp nhỏ vẫn khó tiếp cận gói tín dụng Covid-19: Đã đến lúc phát huy quỹ bảo lãnh tín dụng

ANTD.VN - Ngân hàng sẵn sàng hy sinh lợi nhuận, giảm lãi suất và khẳng định không thiếu tiền cho vay, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận được gói tín dụng do không đáp ứng “chuẩn” của ngân hàng. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phát huy vai trò của quỹ bảo lãnh tín dụng để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Khi doanh nghiệp và ngân hàng vẫn lệch pha

Hiện nay, gói tín dụng mà các ngân hàng đang đưa ra nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bao gồm 2 cấu phần: cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với nợ cũ và cho vay mới, và giảm lãi, giảm phí.

Trong đó, hiện nay một số ngân hàng đã cho phép cơ cấu lại nợ với thời hạn lên đến 1 năm; giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời gói cam kết cho vay mới lên tới 600.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, con số tăng trường tín dụng âm kể từ đầu tháng 4 cho thấy khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp hiện nay rất yếu. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn than về việc cần vốn nhưng không thể tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi, vì không đáp ứng chuẩn của các ngân hàng.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này cho biết dù ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay nhưng không thể cho vay bừa bãi, không hạ chuẩn cho vay. “Ngành ngân hàng đã vào cuộc tích cực, với tinh thần là giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Thậm chí, các ngân hàng phải tiết kiệm chi phí, giảm lương, thậm chí tạm thời không chia cổ tức, chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng dù các ngân hàng không thiếu tiền cho vay

Tuy nhiên, ngân hàng phải huy động vốn của người dân cứ không phải tiền ngân sách. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng cần chia sẻ với ngành ngân hàng để rà soát đánh giá những dự án mới, hướng đi mới, cơ cấu lại chính mình.

Nếu doanh nghiệp thiếu tài sản đảm bảo thì phải có kế hoạch kinh doanh tốt, ngân hàng phải kiểm soát được dòng tiền thì chắc chắn không ngân hàng nào không cho vay” – ông Hùng nói.

Đã đến lúc phát huy vai trò Quỹ bảo lãnh tín dụng

Đề giải bài toán này, theo nhiều chuyên gia đây là lúc cần phát huy vai trò của quỹ bảo lãnh tín dụng. Tính đến nay, cả nước có gần 30 quỹ bảo lãnh tín dụng được thành lập và đi vào hoạt động, với tổng vốn điều lệ thực có khoảng trên 1.400 tỷ đồng, trong đó có đến hơn 1.300 tỷ đồng là vốn ngân sách.

Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, hạn chế lớn nhất của mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng là khả năng đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp chưa cao. Chúng ta mới chỉ có một mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương với quy mô vốn rất nhỏ, trong khi số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam rất lớn nên các quỹ không thể đáp ứng được nhu cầu bảo lãnh tín dụng của các doanh nghiệp này.

Trong khi đó, năng lực điều hành, quản trị của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thấp, ngân hàng thì không thể cho vay dưới chuẩn.

“Trước kia chúng ta kêu gọi doanh nghiệp nâng tầm lên, nhưng nay đại dịch đến rồi, đại hạn đến rồi, họ chưa thể nâng tầm được. Vì vậy muốn giúp họ phải có cách.

Theo tôi đây là thời điểm để phát huy vai trò của quỹ bảo lãnh tín dụng. Chính phủ phải mở rộng quỹ này ra, phải có quỹ bảo lãnh tín dụng ở trung ương để bảo lãnh cho doanh nghiệp sang ngân hàng vay. Khi đó ngân hàng sẽ yên tâm hơn, vì tôi cho doanh nghiệp vay, nếu chẳng may doanh nghiệp không trả được thì đã có quỹ bảo lãnh rồi. Còn Chính phủ cũng không phải bỏ tiền ra cho doanh nghiệp, trừ khi doanh nghiệp “chết” thì Nhà nước mới phải bỏ tiền ra” – ông Nguyễn Văn Thân đề xuất.

Nói về nguy cơ “vỡ quỹ” do các doanh nghiệp sử dụng vốn vay không hiệu quả, ông Thân cho rằng không nên quá lo vì “doanh nghiệp nào cũng muốn làm ăn có lãi, không doanh nghiệp nào muốn chết cả”.