Doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ lớn: Giám sát lỏng lẻo, khó xác định trách nhiệm

ANTD.VN - Báo cáo mới nhất của Đoàn giám sát của Quốc hội (2018) cho thấy, "hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp". 

Nên thu hẹp phạm vi hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước để tăng tính hiệu quả

Thua lỗ do cơ chế giám sát không hiệu quả

Ngày 19-7, Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo: "Đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước".

Dẫn lại báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội (2018) về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa, giai đoạn 2011-2016, ông Phạm Đức Chung- Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp (CIEM) cho biết: "Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp". 

Tình trạng hoạt động chưa hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước được thể hiện qua những con số cụ thể. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp Nhà nước giảm trong giai đoạn 2011-2016: Tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm 39%; Chỉ số lợi nhuận trên vốn (ROA) giảm 30%. 

Cũng trong giai đoạn này, tỷ trọng doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ không giảm. Báo cáo hợp nhất năm 2016 cho thấy, có 23/91 tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ- con lỗ lũy kế trên 17.000 tỷ đồng.

Đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp này lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng đến nay chưa thu hồi được và giá trị thực tế của nhiều dự án đang ở mức dưới giá trị đã đầu tư. Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực để xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả nhưng phục hồi chậm.

"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng trong đó có lý do là phạm vi giám sát của cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu chưa rõ. Chưa kể, một số bộ, UBND cấp tỉnh là cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp, quản lý hàng trăm nghìn tỷ đồng nhưng chưa có cơ chế đánh giá và công bố công khai hiệu quả, trách nhiệm quản lý của chính các cơ quan đại diện này. 

Hệ quả dẫn đến là không tạo được áp lực cho các bộ, UBND phải quản lý vốn Nhà nước tốt hơn, hiệu quả hơn và khó xác định trách nhiệm đối với các vụ việc thua lỗ, dự án kém hiệu quả"- ông Phạm Đức Chung nói.

Thu hẹp phạm vi hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước

Theo ông Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng CIEM, CIEM đang thấy thiếu cơ chế giám sát của 1 Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

"Một số bộ nói có nhiều cơ quan giám sát rồi, nhưng đây là tư duy áp đặt, bởi các bộ giám sát theo quy chế công chức, viên chức, trong khi doanh nghiệp cần áp dụng quy tắc, cách thức khác để lựa chọn. Các bộ là thực hiện quản lý Nhà nước, nhưng Ủy ban không thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, mà chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà đầu tư.

Đừng áp đặt quy chuẩn của viên chức, công chức vào Ủy ban này. Sa thải cũng thế, ai không hoàn thành nhiệm vụ phải sa thải, chứ không phải chờ họp hội đồng mấy lần lên xuống mới quyết định.  

Hệ thống công chức của ta cứ làm theo quy định, đúng quy trình thì không bao giờ có cách làm khác, không bao giờ có sáng tạo, đổi mới"- ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, có quá nhiều cơ quan giám sát nhưng doanh nghiệp Nhà nước vẫn làm ăn không hiệu quả là hệ quả của lối làm ăn tập thể. Mỗi văn bản ban hành ra có rất nhiều ý kiến tham gia, nhưng không rõ trách nhiệm của công việc giám sát, thanh tra, kiểm toán… nên các cơ quan không hiểu nhiệm vụ của mình là gì, dễ buông lơi, không làm, dễ đổ trách nhiệm.

"Nhiều cơ quan chủ sỡ hữu nhưng không ai chịu trách nhiệm giám sát doanh nghiệp. Ta không tách bạch được 1 bên chủ sở hữu tài sản Nhà nước và 1 bên là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành nên cùng công việc giám sát chia nhiều bộ, ngành nhưng làm công việc na ná nhau.

Một người làm chủ sở hữu thôi thì người ta làm tốt, quá nhiều chủ sở hữu thì không ai chịu trách nhiệm cuối cùng. Tài sản Nhà nước dễ bị rơi vào tình trạng vô chủ"- bà Phạm Chi Lan nêu quan điểm.

Theo bà Phạm Chi Lan, có thể thành lập 1 Ủy ban để giám sát doanh nghiệp Nhà nước, nhưng song song với đó, dứt khoát phải thu hẹp tối đa phạm vi hoạt động của khu vực doanh nghiệp này, bởi lẽ "còn quá nhiều doanh nghiệp Nhà nước thì không ai giám sát nổi và chỉ đẻ thêm một bộ máy cồng kềnh để giám sát mà không hiệu quả. 

Hai là phải minh bạch về quyền và trách nhiệm của các cơ quan chủ sở hữu. Ba là phải tách triệt dể vai trò chủ sở hữu doanh nghiệp hoàn toàn khỏi các bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước. Sau này các bộ ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao thanh tra, kiểm tra về lao động, môi trường... thì làm.

Còn có cơ quan Nhà nước làm chủ sở hữu thì còn có nương nhẹ, có kém công minh trong giám sát"- chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kiến nghị.

Cũng theo bà Phạm Chi Lan, cần tăng cường vai trò giám sát thực sự của các cơ quan dân cử như: Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các cơ quan báo chí, truyền thông... để thông tin minh bạch, kịp thời, từ đó có quyết sách đúng với doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp này.