Doanh nghiệp kiến nghị nới quy định cho thuê lại lao động

ANTD.VN - Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhiều doanh nghiệp đề xuất mở rộng các công việc được phép cho thuê lại lao động và gia hạn thời gian cho thuê lại lao động.

Hoạt động cho thuê lại lao động diễn ra phổ biến tại các khu công nghiệp

Theo Bộ LĐ-TB&XH, cho thuê lại lao động là một nội dung hoàn toàn mới, lần đầu tiên được quy định tại Bộ luật Lao động 2012. Trên thực tế, cho thuê lại lao động là dịch vụ phổ biến mà nhiều doanh nghiệp trên thế giới áp dụng. Ở Việt Nam, hoạt động này tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Đặc biệt, tại các tỉnh phía Nam, sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, khu kinh tế, cộng với nhu cầu lao động ngày càng cao đã tạo động lực thúc đẩy hoạt động cho thuê lại lao động phát triển mạnh mẽ. 

4 tỉnh có nhiều doanh nghiệp cho thuê lại lao động nhất là TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Hà Nội, chiếm hơn một nửa số doanh nghiệp cho thuê lại lao động trong cả nước.

Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện cho thấy còn một số điểm hạn chế cần phải sửa đổi cho phù hợp, cụ thể như: quy định về mức ký quỹ 2 tỉ đồng không đủ để thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp trong thanh toán tiền lương hoặc bồi thường cho người lao động trong trường hợp doanh nghiệp cho thuê vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại.

Không những vậy, quy định cho phép doanh nghiệp nước ngoài liên doanh với doanh nghiệp trong nước để thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động là không còn phù hợp bởi hình thức liên doanh không quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Quy định người đứng đầu doanh nghiệp cho thuê là thành viên hoặc người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông chưa chặt chẽ, dễ bị doanh nghiệp lợi dụng để sử dụng hồ sơ của một thành viên hoặc cổ đông không phải là thành viên sáng lập hoặc có tỉ lệ vốn góp thấp để đáp ứng điều kiện về người đứng đầu của doanh nghiệp cho thuê lại lao động.

Liên quan đến vấn đề này mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đề xuất mở rộng các công việc được phép cho thuê lại lao động và gia hạn thời gian cho thuê lại lao động.

Lý giải đề xuất này, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, trong ngành sản xuất nói chung, việc gia tăng sản xuất ngắn hạn đáp ứng biến động về nhu cầu trên thị trường là rất lớn. Có nhiều trường hợp cần gấp số lượng lớn, nếu doanh nghiệp tự mình tuyển dụng nhân viên thì cũng có giới hạn, do đó, nhu cầu rất lớn trong việc sử dụng lao động cho thuê lại là rất cao.

Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu gia tăng trong nước và các nơi xuất khẩu, đồng thời để thúc đẩy mở rộng tiêu dùng và xuất khẩu, cơ quan soạn thảo cần xem xét áp dụng cho thuê lại lao động trong các ngành sản xuất nói chung (hiện nay pháp luật quy định 17 công việc được phép cho thuê lại lao động).

Bên cạnh việc kiến nghị mở rộng về số ngành nghề được thuê lại lao động thuộc lĩnh vực sản xuất, một số doanh nghiệp cũng kiến nghị xem xét thời hạn cho thuê lại lao động. Cụ thể, quy định hiện hành giới hạn thời gian cho thuê lại lao động không được quá 12 tháng. Tuy nhiên, theo như doanh nghiệp phản hồi, có những trường hợp cần khoảng 24 tháng khi sử dụng lao động cho thuê lại trong những công việc có chuyên môn như làm việc cho dự án.