Điều kiện kinh doanh xăng dầu không phù hợp, thị trường có nguy cơ bị lũng đoạn

ANTD.VN - Góp ý về cắt giảm danh mục kiểm tra chuyên ngành của hàng hóa xuất nhập khẩu, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lo ngại điều kiện kinh doanh xăng dầu hiện tại có thể gây lũng đoạn thị trường. 

Bỏ điều kiện kinh doanh để thị trường xăng dầu cạnh tranh hơn

Phân tích chi tiết về nhận định trên, VCCI cho biết, khoản 2 Điều 33 Nghị định 83 quy định: “Trên cơ sở nhu cầu định hướng về xăng dầu nhập khẩu, thực tế tiêu thụ nội địa năm trước liền kề và đăng ký của thương nhân, Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu tối thiểu phục vụ tiêu thụ nội địa cả năm theo cơ cấu chủng loại cho từng thương nhân có Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để làm thủ tục nhập khẩu với cơ quan hải quan”.

Dựa trên mức giao tối thiểu của Bộ Công Thương và căn cứ vào nhu cầu của thị trường, thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu quyết định khối lượng xăng dầu nhập khẩu các loại để tiêu thụ tại thị trường trong nước (khoản 4 Điều 33 Nghị định 83/NĐ-CP) và thực hiện đăng ký hạn mức tối thiểu nhập khẩu xăng dầu với Bộ Công Thương (Điều 34).

Như vậy, có thể hiểu là  đối với sản phẩm xăng dầu, Nhà nước quản lý bằng phương thức sử dụng mệnh lệnh hành chính buộc doanh nghiệp phải nhập khẩu một số lượng xăng dầu tối thiểu hằng năm. Suy đoán mục tiêu của phương thức quản lý này là nhằm “đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội”.

Tuy nhiên, theo VCCI, thực tế cho thấy, phương thức này có thể là thích hợp trong bối cảnh trước đây, khi số lượng đầu mối xăng dầu hạn chế chỉ ở một số ít các doanh nghiệp theo chỉ định của Bộ Công Thương và thị trường luôn hiện hữu nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nếu các  doanh nghiệp này cố ý nhập khẩu ít để tạo khan hiếm trên thị trường.

"Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi quyền nhập khẩu xăng dầu về nguyên tắc đã được mở cho bất kỳ doanh nghiệp nào đáp ứng các điều kiện để được cấp phép nhập khẩu xăng dầu, và các doanh nghiệp này phải tuân thủ pháp luật cạnh tranh, lo ngại về tình trạng độc quyền gây thiếu hụt nguồn cung là không thỏa đáng và hoàn toàn không thể là căn cứ để sử dụng biện pháp can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp (trong việc xác định số lượng hàng hóa mua vào)"- VCCI nêu quan điểm.

Cụ thể, khi thị trường xăng dầu đã được quản lý theo cơ chế mở, vấn đề nguồn cung, nhu cầu của người tiêu dùng thuần túy là vấn đề của thị trường. Nếu nhu cầu của thị trường tăng cao, doanh nghiệp sẽ nhập khẩu xăng dầu với số lượng lớn để đáp ứng và ngược lại. Như vậy, nguồn cung của xăng dầu sẽ dựa vào quy luật của thị trường quyết định;

Trong trường hợp nhu cầu của thị trường không lớn hoặc lượng xăng dầu đang có trên thị trường nội địa đủ cung ứng được cho thị trường, thì việc doanh nghiệp tiếp tục phải nhập khẩu cho đạt hạn mức nhập khẩu tối thiểu sẽ khiến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn.

Đặc biệt, về tính minh bạch, VCCI đánh giá, Nghị định 83/NĐ-CP cũng như Thông tư 38 không quy định về các tiêu chí để cơ quan Nhà nước quyết định các hạn mức cho thương nhân. Điều này khiến cho quy trình trở nên thiếu minh bạch và tạo ra dư địa cho tình trạng phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.

"Trên thực tế, số lượng các doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu cũng không lớn, do các điều kiện kinh doanh tại Nghị định 83 là rất cao mà chỉ một số ít thương nhân có tiềm lực tài chính lớn mới có thể tham gia thị trường (điều kiện theo hướng áp đặt quy mô; hệ thống phân phối được thiết kế theo từng cấp bậc (thương nhân nhập khẩu, phân phối, tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ), tương ứng với mỗi cấp bậc là các điều kiện kinh doanh khá là khắt khe..).

Đây cũng sẽ là một trong những nguy cơ thực tiễn khiến cho nguồn cung của thị trường xăng dầu có thể bị lũng đoạn  bởi các thương nhân đầu mối này"- VCCI góp ý.

Để giải quyết vấn đề này, VCCI cho rằng không thể tiếp tục áp dụng cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp như trước mà phải giảm bớt các điều kiện kinh doanh để nhiều chủ thể kinh doanh có thể tham gia vào hoạt động nhập khẩu xăng dầu, qua đó đảm bảo nguồn cung trên thị trường;

Đồng thời, cần sử dụng triệt để công cụ quản lý cạnh tranh (pháp luật cạnh tranh) để kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp này.

VCCI kiến nghị bỏ quy định “hạn mức tối thiểu nhập khẩu xăng dầu hàng năm do Bộ Công Thương phân giao" để tạo cạnh tranh trên thị trường xăng dầu.

Hiện nay, cả nước có 29 đầu mối kinh doanh xăng dầu, tăng rất nhiều doanh nghiệp đầu mối so với trước kia. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, thị trường xăng dầu vẫn chưa có cạnh tranh thực sự. Petrolimex vẫn chiếm thị phần rất lớn.

Mặt khác, về giá bán lẻ xăng dầu, mặc dù cơ quan quản lý chỉ quy định giá trần, nhưng giá bán lẻ xăng dầu của các doanh nghiệp dường như không chênh lệch, hoặc chỉ chênh lệch vài chục đồng/lít.