Điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân, kích thích kinh tế thời hậu Covid-19

ANTD.VN - Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã được hơn 180 nước trên thế giới áp dụng, không chỉ xác định nghĩa vụ của mỗi công dân với quốc gia, mà còn thể hiện định hướng chính sách, mục tiêu phát triển của quốc gia đó. Dù không giống nhau, song nhiều nước đã có xu hướng điều chỉnh chính sách thuế này.

Các nước điều chỉnh như thế nào?

Nhìn chung việc điều chỉnh cụ thể thuế TNCN thường là tăng ngưỡng thu nhập tính thuế; tăng giảm trừ gia cảnh; áp dụng biểu thuế suất lũy tiến với thu nhập từ tiền lương, tiền công; tăng thuế suất với thu nhập cao, giảm thuế suất với thu nhập thấp; mở rộng đối tượng thu thuế…. nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo cũng như đảm bảo chức năng phân phối thu nhập của hệ thống thuế.

Hầu hết tất cả các quốc gia đều áp dụng nguyên tắc những cá nhân có mức thu nhập tiền lương, tiền công cao hơn thì bị đánh thuế cao hơn, với khung thuế suất thuế TNCN lũy tiến, như: Myanmar có mức giao động từ 1% - 25%;  Singapore từ 0% - 22%;  Philippines từ 5% - 32%; Malaysia từ 1% - 28%; Hàn Quốc từ 6% - 40% và tại Mỹ từ 10% (thu nhập dưới 9.325 USD) đến 39,6% (thu nhập từ 418.400 USD trở lên)…

Đặc biệt, các nước đều nâng ngưỡng chịu thuế và mức chiết trừ gia cảnh. Campuchia cũng tăng ngưỡng thuế đối với thuế TNCN theo lộ trình. Trung Quốc hợp nhất 4 loại thu nhập lao động thành 1 loại thu nhập tính thuế, đồng thời tăng khấu trừ thuế tiêu chuẩn cho thu nhập hợp nhất.  Hoa Kỳ áp dụng Đạo luật “Cắt giảm thuế và việc làm” nhằm giảm nghĩa vụ thuế đối với tầng lớp trung lưu, hướng tới mục tiêu giảm mức thuế chung.

Nhìn chung, xu hướng mục tiêu của các chính sách mới về thuế TNCN là bên cạnh bảo đảm nguồn thu ngân sách Nhà nước, còn thực hiện tái phân phối thu nhập, giảm các hành vi trốn, tránh thuế, tạo động lực để người dân tăng thu nhập, từ đó tăng sức tiêu thụ hàng hóa hoặc nâng cao tiết kiệm, thúc đẩy tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân, kích thích kinh tế thời hậu Covid-19 ảnh 2Giảm nghĩa vụ thuế sẽ là nguồn lực để người nộp thuế tái đầu tư

Thực tiễn điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam

Thời gian gần đây, Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách thuế quan trọng như: Bổ sung các quy định mới về thuế giá trị gia tăng (GTGT) phù hợp với các hoạt động kinh tế mới phát sinh; giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ 25% xuống 22% từ năm 2014 và xuống 20% từ năm 2016; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân; nâng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với những mặt hàng có hại cho sức khỏe cần hạn chế tiêu dùng như thuốc lá, rượu, bia, sửa đổi giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu; áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đối với nhà ở xã hội; gia hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, giảm thuế TNDN đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; giảm thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN cho các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; chăm sóc trông giữ trẻ; cung ứng suất ăn ca có tham gia ổn định an sinh xã hội; chuyển nhiều loại phí sang thực hiện theo cơ chế giá (Luật Phí và lệ phí năm 2015). 

Đồng thời, các luật thuế như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017… được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo hướng ngày càng công khai, minh bạch, từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống thuế còn phức tạp, lồng ghép quá nhiều chính sách, trong khi tác động thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh còn hạn chế, nhiều trường hợp còn tạo ra gánh nặng phí cao cho người dân, doanh nghiệp. 

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNCN theo hướng mở rộng cơ sở thuế và xác định rõ thu nhập chịu thuế; sửa đổi, bổ sung phương pháp tính thuế đối với từng khoản thu nhập theo hướng đơn giản, phù hợp với thông lệ quốc tế để nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế và tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế.

Đồng thời, điều chỉnh số lượng thuế suất phù hợp với thu nhập chịu thuế và đối tượng nộp thuế; cơ bản thống nhất mức thuế suất đối với thu nhập cùng loại hoạt động hoặc hoạt động tương tự đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế giữa thể nhân và pháp nhân; điều chỉnh mức thuế suất hợp lý nhằm động viên, khuyến khích cá nhân làm giàu hợp pháp.

Theo biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại luật Thuế TNCN hiện hành, thuế suất đối với người làm công ăn lương gồm 7 bậc, từ 5 % đến 35% (từ 80 triệu đồng/tháng trở lên), sau khi trừ đi phần chiết giảm gia cảnh 9 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 3,6 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc.

Theo khoản 4, Điều 1, Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH12: “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.

Trên thực tế, chỉ số giá tiêu dùng bình quân, kể từ khi luật có hiệu lực 1-7-2013 đến cuối tháng 12-2019 đã tăng 23,2%. Bởi vậy, Bộ Tài chính vừa đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh cho TNCN lên 11 triệu đồng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng cho người phụ thuộc để áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.

Nếu đề xuất điều chỉnh này được chấp nhận, sẽ có khoảng 6,8 triệu người được hưởng lợi, trong đó có khoảng 1 triệu người sẽ không phát sinh thuế TNCN phải nộp. Tổng số tiền người lao động được giữ lại thông qua việc điều chỉnh chính sách thuế thu nhập cá nhân trong năm 2020 khoảng 10,3 nghìn tỉ đồng.

Việc điều chỉnh như trên là cần thiết do phù hợp với xu hướng, thông lệ thế giới và với quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân; góp phần bù lại mức trượt giá; cải thiện mức sống của người dân, kích thích tăng mức chi tiêu hộ gia đình, tăng tiêu dùng của xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những tác động bất lợi đến nhiều mặt của nền kinh tế. 

Tăng mức giảm trừ gia cảnh, thu từ thuế TNCN nếu giảm cũng chỉ giảm trong ngắn hạn; còn về dài hạn, việc giảm nguồn thu đó sẽ nằm trong túi người dân khiến họ tăng chi tiêu. Chi tiêu tạo ra tăng trưởng GDP, mang lại lợi ích có thể gấp nhiều lần số nguồn thu sụt giảm. 

Hơn nữa, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh không làm hụt thu NSNN như giả định, vì thực tế cho thấy sau khi nâng mức chiết trừ gia cảnh từ năm 2013, số thu từ sắc thuế này tăng liên tục năm sau so với năm trước: năm 2017 tăng 120% so với năm 2016; năm 2018 tăng 124% so với năm 2017; năm 2019 tăng 108% so với năm 2018. Năm 2016 đạt 49.152 tỉ đồng và năm 2019 ước đạt 79.219 tỉ đồng, tăng hơn 61%.

Thậm chí, tổng số người thuộc diện nộp thuế TNCN từ hơn 4,38 triệu người vào năm 2016 đến hết 2019 là 6,88 triệu người. Nói cách khác Thuế TNCN đang trở thành một trong những nguồn thu quan trọng, tăng mạnh từ đóng góp 1,85% (năm 2006), lên 5,92% (năm 2016) và lên mức 7,19% (năm 2018) trong tổng thu NSNN, vượt xa nguồn thu từ dầu khí đang giảm dần...

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng có thể xem xét nâng mức thuế TNCN cao nhất lên so với hiện hành để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đang tăng nhanh và bù lại phần hụt thu do tăng mức giảm trừ gia cảnh, như cách mà nhiều nước đang làm hiện nay. Theo dự kiến, phương án điều chỉnh được Bộ Tài chính soạn thảo sẽ áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.

Do vậy trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh cũ sẽ được xác định số thuế TNCN phải nộp mức điều chỉnh mới khi quyết toán thuế TNCN năm 2020 (thực hiện trong quý 1-2021). Đặc biệt, người dân sốt ruột chờ đợi và mong rằng cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nâng mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh, vì để chậm ngày nào là người dân thiệt ngày đó, cả theo Luật cũng như trên thực tế gia tăng nhanh áp lực lạm phát thời gian qua và nhất là tới đây, gắn với hệ lụy tiêu cực chung của đại dịch Covid-19.

Điều chỉnh Luật Thuế thu nhập cá nhân góp phần bù lại mức trượt giá, cải thiện mức sống của người dân, kích thích tăng mức chi tiêu hộ gia đình, tăng tiêu dùng của xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những tác động bất lợi đến nhiều mặt của nền kinh tế.