Đề xuất Kiểm toán Nhà nước có thêm quyền xác minh vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

ANTD.VN - Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, các nước đều đã trao cho Kiểm toán Nhà nước một số quyền nhất định, trong đó có xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước, như các hành vi không cung cấp tài liệu cho cơ quan kiểm toán.

Đề xuất này được đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, diễn ra chiều nay 20/2.

Thêm quyền xác minh vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Luật Phòng chống tham nhũng hiện đã xác định Kiểm toán Nhà nước là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng.

Tuy nhiên, ông Phớc cũng đề xuất cần bổ sung quyền xác minh để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Bởi theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc trao cho Kiểm toán Nhà nước chức năng kiểm tra, xác minh ở một số nước mà điển hình là Hàn Quốc đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán.

Một số phương pháp xác minh, kiểm tra được các nước thực hiện như: triệu tập người có liên quan đến vụ việc có mặt để giải trình, trình bày về báo cáo kế toán, trả lời, giải trình về giấy tờ tài liệu liên quan, niêm phong, phong tỏa…

Cùng với đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đề xuất cần bổ sung vào luật căn cứ ban hành quyết định kiểm toán trong trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho biết, theo Luật Kiểm toán Nhà nước, có 3 căn cứ để Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành quyết định kiểm toán. Một là kế hoạch kiểm toán hàng năm của Kiểm toán Nhà nước; Hai là yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Cuối cùng là đề nghị của cơ quan, tổ chức được Tổng Kiểm toán Nhà nước chấp nhận.

Điều này đồng nghĩa căn cứ ban hành quyết định kiểm toán nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chưa được đưa vào Luật Kiểm toán Nhà nước. Trong khi ấy, nội dung này lại được nêu lên tại Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018.

Góp ý về Dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, Luật Phòng chống tham nhũng quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ bao gồm: giải trình khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động bởi quyết định, hành vi đó, giải trình khi báo chí đăng tải thông tin về vi phạm pháp luật...

Đề xuất bổ sung nhiều quyền cho Kiểm toán Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả kiểm toán

Thế nhưng, hiện Luật Kiểm toán Nhà nước mới chỉ quy định trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước là “giải trình về kết quả kiểm toán với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội”.

Vì vậy, ông Nguyễn Mạnh Cường đề xuất cần xem xét việc sửa đổi, bổ sung quy định trên để bảo đảm tính đồng bộ.

Thêm chế tài xử phạt hành vi không cung cấp tài liệu cho kiểm toán

Cùng với đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng nêu lên thực tế, các đơn vị được kiểm toán không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu, cản trở việc kiểm toán; thậm chí, có hành vi che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, ngân sách.

Cụ thể, chỉ tính năm 2017,  đã có 121 trường hợp không cung cấp tài liệu dẫn tới các đoàn kiểm toán không thể thực hiện kiểm toán được nội dung theo kế hoạch.

Theo lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, thực tế theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán cho thấy, kết quả thực hiện còn thấp. Năm 2017, số kiến nghị của kiểm toán là hơn 91.000 tỷ đồng thì số thực hiện là hơn 66.000 tỷ đồng, tức là khoảng hơn 73%. Một vài năm trước đó, tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán khoảng 76-78%.

Nguyên nhân cơ bản theo lãnh đạo ngành kiểm toán là do thiếu các quy định về chế tài để xử lý các hành vi vi phạm trên. Việc chủ yếu áp dụng biện pháp nhắc nhở đã làm giảm hiệu lực hoạt động Kiểm toán Nhà nước nói riêng và tính nghiêm minh của pháp luật nói chung.

Dẫn kinh nghiệm, một số nước như Nga, Trung Quốc, Campuchia, Đức... Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, các nước đều đã trao cho Kiểm toán Nhà nước một số quyền nhất định, trong đó có xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước.

Đồng tình quan điểm trên, ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi  phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán xảy ra khá nhiều và mang tính đặc thù cao nhưng hệ thống pháp luật về kiểm toán nhà nước lại thiếu những quy định về chế tài.

Vì vậy, ông cho biết, hiện nay, có một số ý kiến đề xuất xây dựng ngay nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước trên cơ sở xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức phạt tiền tối đa.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Thanh Sơn, đề xuất này chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý và chỉ được thực hiện sau khi sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Kiểm toán nhà nước.