"Cuộc đua" tăng lãi suất huy động chưa có điểm dừng

ANTD.VN - Dù lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã làm “nóng” thị trường trong nhiều tháng trở lại đây, nhưng có vẻ như “cuộc đua” vẫn chưa dừng lại. Nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục tăng lãi suất, khuyến mại để huy động vốn.

Liên tục thiết lập kỷ lục mới

Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) vừa thông báo mức lãi suất ưu đãi lên đến 8,9%/năm, áp dụng trong khoảng thời gian từ 14 đến 18/10 đối với khoản tiền gửi trên 100 triệu đồng.

Cụ thể, đối với các kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng và 15 tháng, số tiền gửi trên 100 triệu đồng, mức lãi suất tương ứng sẽ là 8,5%, 8,7% và 8,9%/năm. Trước đó, mức lãi suất huy động cao nhất của nhà băng này là 8,6%/năm cho kỳ hạn 24, 36 tháng, 8,5%/năm cho kỳ hạn 18 tháng.

Trước đó, VietCapitalBank cũng đã gây bất ngờ cho thị trường khi thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh với lãi suất cao nhất thị trường, lên tới 10,2%.

Có thể thấy, “cuộc đua” lãi suất huy động vẫn chưa có điểm dừng. Trong khi các ngân hàng có vốn Nhà nước vẫn giữ mức lãi suất không vượt quá 7%/năm thì hàng loạt ngân hàng TMCP nhỏ đã đẩy lãi suất lên xấp xỉ 9%/năm.

Thậm chí, SCB đã công bố mức lãi suất huy động 6 tháng lên tới 8,1%/năm, với tiền gửi online, lãi suất cao nhất lên tới 8,21%/năm khi gửi trên 10 tỷ đồng.

Một số ngân hàng cũng áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng khá cao, như VietCapitalBank 7,4%/năm, Vietbank 7,1%/năm, NCB 7%/năm...

Đối với kỳ hạn dài, ABBank, Nam A Bank đang huy động vốn với mức lãi suất cao nhất là 8,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng; lãi suất cao nhất của Eximbank là 8,4%, PG Bank là 8,2%; Kienlongbank, NCB, ACB là 8%...

"Cuộc đua" tăng lãi suất huy động chưa có điểm dừng ảnh 1

Cuộc đua giành thị phần tiền gửi của nhóm ngân hàng nhỏ ngày càng khốc liệt

SHB thông báo mức lãi suất lên tới 9%/năm với kỳ hạn 13 tháng và 8,9% với kỳ hạn 12 tháng nhưng mức lãi suất này chỉ áp dụng với những khoản tiền gửi cá nhân từ 500 tỷ đồng trở lên.

Từ ngày 4/10, ngân hàng này cũng áp dụng mức lãi suất tăng ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tối đa SHB áp dụng là 8,1% cho kỳ hạn 6 tháng, 8,2% kỳ hạn 9 tháng; 8,3% kỳ hạn 12 tháng và 8,4% cho kỳ hạn 13 tháng. 

Xu hướng tăng sẽ chưa dừng lại

Dù việc đẩy lãi suất huy động lên cao chỉ xảy ra ở các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa nhưng trên thực tế, mặt bằng lãi suất huy động trung bình cũng đẩy tăng 0,2 – 0,4% so với cuối năm 2018.

Theo chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực, việc các ngân hàng tăng lãi suất chủ yếu là để chuẩn bị dòng vốn cuối năm, đáp ứng lộ trình Basel II và yêu cầu giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Ngoài ra, để gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn, các ngân hàng năm nay liên tục phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, chính sự cạnh tranh lớn đã khiến mặt bằng lãi suất huy động bị đẩy lên tương đối cao.

Dù vậy, TS Cấn Văn Lực cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm sẽ ổn định. Điều này đến từ 3 lý do chính: Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành hỗ trợ cho thanh khoản; hệ thống các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện chỉ đạo chung của cơ quan quản lý về ổn định mặt bằng lãi suất cho vay; cùng với đó tín dụng từ đầu năm đến nay mới tăng khoàng 9%.

“Hệ thống các tổ chức tín dụng cũng muốn đẩy mạnh hơn tín dụng từ nay đến cuối năm để đạt chỉ tiêu về doanh số và lợi nhuận. Do đó, các ngân hàng cũng không thể tăng lãi suất vì sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu thực của doanh nghiệp”, TS Cấn Văn Lực nói.

Lãi suất huy động liên tục tăng trong khi ngân hàng phải đảm bảo ổn định lãi suất cho vay, điều này khiến nhiều ngân hàng phải chấp nhận chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra (NIM) nhỏ hơn trước rất nhiều. Để bù đắp, các ngân hàng phải đa dạng hóa những dịch vụ như tăng cường cho vay bán lẻ, tiêu dùng để bù đắp cho chênh lệch NIM.

Vị chuyên gia cũng cho rằng trong những tháng cuối năm nay và đầu năm sau, lãi suất huy động các ngân hàng sẽ khó giảm.

Thứ nhất, Việt Nam muốn ổn định thị trường tiền tệ, tăng hấp dẫn VND, thu hút người dân gửi tiền thì lãi suất VND phải duy trì mức chênh lệch nhất định với USD. Thứ hai, từ đầu năm 2020, khoảng 12-15 ngân hàng bắt buộc phải áp dụng tiêu chuẩn Basel II, còn lại khoảng hơn 20 ngân hàng khác đến năm 2025 phải thực hiện. Vì vậy, các ngân hàng bắt buộc phải tăng sức hấp dẫn lãi suất huy động để đáp ứng các yêu cầu về vốn.