Công nghiệp tàu thủy Việt Nam trong cơn bĩ cực

ANTĐ - Tiếp tục đà thua lỗ, tính đến nay, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đang nợ hơn 80 tỷ đồng tiền lương của cán bộ công nhân và 130 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Hiện nay, SBIC còn hơn 1.400 người không có việc làm, trong khi đó, tình hình sản xuất kinh doanh được nhận định tiếp tục khó khăn.

Công nghiệp tàu thủy Việt Nam trong cơn bĩ cực ảnh 1Công nghiệp đóng tàu từng là ngành kinh tế mũi nhọn, thế mạnh của Việt Nam

“Ôm” cục nợ hàng nghìn tỷ đồng

Báo cáo Bộ GTVT, SBIC cho biết, tính đến 30-4-2016, tổng số lao động toàn Tổng Công ty là 15.208 người, trong đó, lao động có việc làm là 13.800 người; lao động thiếu việc làm là 1.408 người. Số lao động thiếu việc làm chủ yếu tại các công ty cổ phần trực thuộc SBIC. Hiện SBIC đang nợ lương 80 tỷ đồng, nợ hơn 130 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (chưa bao gồm số tiền khoanh nợ là 224,2 tỷ đồng). Trong đó, hầu hết các đơn vị thuộc tổng công ty đều có nợ như Phà Rừng, Đà Nẵng, Bạch Đằng... 

Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC thông tin, thời gian qua, thị trường vận tải và đóng tàu trên thế giới tiếp tục trải qua giai đoạn khó khăn và chưa thấy có tín hiệu phục hồi tích cực, thị trường vận tải biển vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn do sự bất ổn của nền kinh tế thế giới và hiện tượng thừa cung về năng lực vận tải. Do vậy, giá cước trên thị trường sẽ tiếp tục gây sức ép đối với các chủ tàu, ảnh hưởng tới việc đầu tư đóng mới các phương tiện vận tải, trong đó bao gồm cả các chủ tàu trong và ngoài nước.

Đáng nói, theo báo cáo SBIC, trong các năm 2013, 2014, 2015 và quý I-2016, giá trị sản xuất và doanh thu của toàn Tổng Công ty đều cao hơn năm trước, nhưng năm nào SBIC cũng lỗ.  Cụ thể, năm 2015, toàn tổng công ty lỗ 4.699  tỷ đồng. Theo lý giải của SBIC, một số nguyên nhân dẫn đến lỗ 4.699 tỷ đồng là do: chi phí lãi vay 3.383 tỷ đồng; chênh lệch tỷ giá 92,8 tỷ đồng (chi phí phải trả lãi vay cao và chênh lệch tỷ giá là do từ các khoản nợ cũ đem lại); chi phí khấu hao 368 tỷ đồng (do chưa khai thác hết công suất nhà máy); chi phí do thanh lý nguồn tài sản, vật tư, thiết bị 785,5 tỷ đồng (tài sản vì tồn đọng, hư hỏng không có nhu cầu sử dụng); chi phí khác 69 tỷ đồng.

Năm 2016, SBIC đặt mục tiêu thi công 254 sản phẩm, trong đó bàn giao 180 sản phẩm, bằng 145% kế hoạch bàn giao năm 2015. Giá trị sản xuất toàn Tổng Công ty dự kiến năm 2016 đạt 7.858 tỷ đồng, bằng 109% kế hoạch năm 2015. Tuy nhiên, quý I-2016, toàn Tổng Công ty đang lỗ 716 tỷ đồng.  

Xin xóa nợ và hỗ trợ kinh phí để giải thể

Đối với các khoản nợ vay trong nước và các khoản vay quốc tế, Bộ Tài chính đã bảo lãnh cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam - DATC được phát hành trái phiếu có bảo lãnh của Chính phủ để cơ cấu nợ trong nước đợt 1 và ban hành Quyết định về việc bảo lãnh cho DATC phát hành trái phiếu để cơ cấu lại các khoản nợ của SBIC tại 12 tổ chức tín dụng trong nước. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát hành trái phiếu, SBIC sẽ phối hợp với DATC phát hành trái phiếu cho các tổ chức tín dụng. Đối với khoản nợ 600 triệu USD quốc tế, DATC cũng đã ký hợp đồng nhận nợ với SBIC.

Do vẫn thua lỗ tại hầu hết các đơn vị nên SBIC nhận định, việc cổ phần hóa 7 đơn vị được giữ lại theo chỉ đạo rất khó. Bởi, các đơn vị này đều đang âm vốn chủ sở hữu, thậm chí có đơn vị âm vốn chủ sở hữu rất lớn. Vì vậy, để cổ phần hóa được, những đơn vị này cần được xử lý tài chính để đảm bảo vốn chủ sở hữu dương.

Việc giải thể các doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn do tất cả các đơn vị đều kinh doanh thua lỗ hoặc đã ngừng hoạt động: vốn chủ sở hữu âm; vốn điều lệ hầu hết chưa được Tổng Công ty cấp/góp vốn. Theo giá trị sổ sách, phần tài sản đã không còn đủ thanh toán các khoản nợ. Trên thực tế, tài sản của các đơn vị hầu như không còn gì nên số tiền thu được khi thanh lý tài sản và thu hồi công nợ sẽ không đủ để thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Thậm chí, nhiều đơn vị giải thể hiện nay không có kinh phí để duy trì bộ máy phục vụ cho công tác giải thể. 

SBIC đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét cho phép SBIC được xóa nợ (nợ gốc và nợ lãi) và hỗ trợ một khoản kinh phí để đơn vị giải thể, tuy nhiên, đến nay, đề xuất này chưa được Bộ GTVT phê duyệt. Nhiều tài sản (tàu) đã được tổ chức đấu giá nhiều lần nhưng không thành công. Tỷ lệ thu hồi vật tư, sản phẩm dở dang ước tính khoảng 6-10% giá trị đã đầu tư. Để khắc phục các khó khăn hiện nay, SBIC kiến nghị Bộ GTVT xem xét cho phép doanh nghiệp được tham gia các dự án đóng tàu ở mọi lĩnh vực như tàu cá, tàu kiểm ngư, tàu du lịch, tàu của các đơn vị như Cục Hàng hải, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam...