Cổ phiếu ngân hàng tìm lại thời huy hoàng, oanh liệt - Khó thay!

ANTD.VN - Liên tục “dẫn sóng” kể từ giữa năm 2017 giúp VN-Index lần lượt vượt qua các mốc và lập đỉnh lịch sử 1.200 điểm vào giữa tháng 4-2018 nhưng cổ phiếu ngân hàng cũng lại là nhóm ngành dẫn đầu đà lao dốc khi thị trường quay lại ngưỡng 900 điểm. 

Cổ phiếu ngân hàng, với vai trò dẫn dắt thị trường suốt thời gian qua, liệu có cần “liều thuốc” tăng lực giúp các chỉ số chứng khoán hồi phục.

Cổ phiếu ngân hàng tìm lại thời huy hoàng, oanh liệt - Khó thay! ảnh 1Cổ phiếu ngân hàng được các chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá là vẫn có triển vọng tích cực trong dài hạn

Những cổ phiếu vốn hóa lớn của thị trường

HOSE hiện niêm yết 11 cổ phiếu ngân hàng với tổng giá trị vốn hóa lên tới gần 650 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22% giá trị vốn hóa trên sàn này. Trong đó, có 3 ngân hàng lọt top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường gồm Vietcombank, Techcombank và Vietinbank. Các cổ phiếu ngân hàng khác như BIDV, VPBank, MBBank, Sacombank, HDBank... cũng đang nằm trong nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn của thị trường. 

Không chỉ vậy, cổ phiếu ngân hàng luôn được đánh giá là nhóm cổ phiếu hấp dẫn nhà đầu tư nhất trên thị trường hiện nay. Điều này lý giải vì sao cổ phiếu ngân hàng luôn được coi là nhóm cổ phiếu “vua”, có vai trò dẫn dắt thị trường. 

 Nhìn lại trên thị trường chứng khoán Việt Nam nửa đầu năm trở lại đây đã phản ánh đúng diễn biến này. Kết thúc quý I-2018, giá cổ phiếu ngân hàng trên sàn chứng khoán đã ghi nhận mức tăng trưởng tới 40%, cao hơn hẳn mức tăng 19,3% của chỉ số VN-Index. Trước đó, giá cổ phiếu ngành này đã tăng 73,2% trong năm 2017. 

Bước sang quý II-2018, cổ phiếu ngân hàng vẫn khẳng định vai trò “thuyền trưởng”, nhưng cổ phiếu ngân hàng lại “lái” thị trường theo chiều ngược lại. Với 17 mã niêm yết trên 2 sàn nhưng với việc nhiều mã cổ phiếu ngân hàng mất tới trên dưới 40% giá trị đã đóng góp một lực kéo nghiêm trọng khiến VN-Index mất tới trên 18% giá trị, quay về mốc 955 điểm khi kết thúc quý II.

Trong đó, các cổ phiếu đầu ngành như BIDV (mã chứng khoán: BID) giảm tới 48%, Vietinbank (CTG) giảm xấp xỉ 40%, Vietcombank (VCB) giảm 24%. Các cổ phiếu ngân hàng khác cũng ghi nhận mức giảm lớn hơn mức chung của thị trường như MBBank (MBB) giảm tới 34%, VPBank (VPB) giảm khoảng 38%, SHB giảm 37%...

Lý giải xu hướng dẫn dắt thị trường của cổ phiếu ngân hàng, chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng điều này là bình thường. Theo chuyên gia này, thời gian qua ngành ngân hàng có sự tăng trưởng rất tốt trong các hoạt động kinh doanh, đây là nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu nhóm ngành này trên thị trường cũng tăng trưởng rất tốt. “Không chỉ qua các báo cáo tài chính của các ngân hàng mà thời gian qua, ngành ngân hàng cũng có những động thái quyết liệt để chỉnh đốn lại chính mình như tăng cường xử lý nợ xấu, tăng cường tính tuân thủ của các ngân hàng. Do vậy dễ hiểu vì sao cổ phiếu ngân hàng luôn dẫn sóng trong đà tăng trưởng, đồng thời có tác động lan tỏa đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2017 và đầu năm 2018” - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Phân tích đà giảm của nhóm cổ phiếu này kể từ sau thời điểm lập đỉnh lịch sử (ngày 9-4 với mức đỉnh trên 1.200 điểm), TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng hiện các chỉ số của thị trường chứng khoán Việt Nam đang dựa khá nhiều vào khối ngoại, mà khối ngoại đang nắm giữ rất nhiều cổ phiếu ngân hàng. “Hiện khối ngoại đang có động thái rút vốn ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam với lượng rất lớn. Điều này đã khiến thị trường bị chao đảo, trong đó với vai trò dẫn dắt thị trường nên mức độ ảnh hưởng tới cổ phiếu ngân hàng chắc chắn sẽ nặng nề hơn” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Để cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn

Ở thời điểm đầu tháng 4 khi VN-Index chuẩn bị thiết lập mức đỉnh mới trong lịch sử, dù những triển vọng từ các hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng vẫn rất lạc quan nhưng các chuyên gia bắt đầu lo ngại về sự tăng trưởng quá nóng của nhóm cổ phiếu này.

Tính đến hết quý I-2018, các cổ phiếu ngân hàng được định giá bình quân ở mức P/B (giá cổ phiếu/giá ghi sổ sách) 3,2 lần và P/E (giá cổ phiếu/lợi nhuận) đạt 20,3 lần. Tuy chỉ số P/E ở mức không quá cao nhưng định giá P/B được cho là quá đắt so với các cổ phiếu ngân hàng trên thế giới. Thậm chí, một số ngân hàng có chỉ số P/B có thời điểm lên tới 5 lần,  trong khi bình quân của nhóm cổ phiếu ngân hàng có quy mô tương đương chỉ vào khoảng 1,5 lần. 

Chính vì vậy, khi cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu xu hướng giảm điểm sau khi lập đỉnh, nhiều chuyên gia cho rằng đây là sự điều chỉnh cần thiết để cổ phiếu ngân hàng nói riêng và các cổ phiếu có hiện tượng tăng nóng thời gian qua, về đúng giá trị của nó. 

Tuy nhiên, đáng tiếc là vào cuối quý II-2018, thị trường gặp phải nhiều tác động bất lợi từ diễn biến kinh tế thế giới, trong đó quan trọng nhất là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất đồng USD thêm 0,25% và vạch ra lộ trình tăng thêm 2 lần nữa từ nay đến cuối năm. 

Động thái này đã khiến các quỹ ngoại rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Những diễn biến của dòng vốn nước ngoài đã phủ tâm lý lo ngại lên các nhà đầu tư trong nước. Thậm chí, sự hoảng loạn của nhà đầu tư đã xuất hiện trong những phiên gần đây.

Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, diễn biến trên thị trường chứng khoán những ngày đầu tháng 7 cho thấy các nhà đầu tư đã phản ứng thái quá với những thông tin về tình hình quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn, biến động tỷ giá tiền đồng và những thông báo kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nên có thể tác động tới việc nhà đầu tư cố bán cổ phiếu bằng mọi giá. Và, với việc cổ phiếu ngân hàng bị bán ra mạnh nhất, nhóm cổ phiếu này thường là một trong những tác nhân khiến các chỉ số thị trường chứng khoán xấu đi. Liên tục trong nhiều phiên, cổ phiếu ngân hàng phủ sắc đỏ hoàn toàn, không một sắc xanh. 

Dù đánh giá việc giảm điểm của cổ phiếu ngân hàng là điều được dự báo trước sau một thời gian tăng trưởng quá nóng, song các chuyên gia vẫn cho rằng sự suy giảm này chỉ là trong ngắn hạn. Còn về dài hạn,  triển vọng tăng trưởng của các ngân hàng là rất tích cực khi nền kinh tế đang phục hồi, cộng thêm tiến trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đang được đẩy nhanh. 

Về hoạt động kinh doanh, kết quả 6 tháng đầu năm 2018 của nhóm ngành ngân hàng cũng cho một bức tranh tươi sáng: Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế 7.722 tỷ đồng, tăng 52,7% so với cùng kỳ 2017, thực hiện 55,2% kế hoạch 2018; các chỉ tiêu sinh lời đều được cải thiện so với năm 2017… TP Bank, sau khi trích lập đầy đủ dự phòng, lợi nhuận đạt mức 1.024 tỷ đồng, tăng 541 tỷ đồng, tương đương 212% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời đạt 112% so với kế hoạch 6 tháng đầu năm 2018. 

Vẫn còn dư địa tăng

Hàng loạt ngân hàng khác như VIB, Sacombank, HDBank, OCB, Techcombank, LienViet PostBank… dù chưa chính thức công bố kết quả kinh doanh nhưng những con số từ đầu năm đến nay đều cho thấy sự tăng trưởng khá tốt. Vì vậy, hầu hết các chuyên gia có cùng nhận định trong năm 2018, cổ phiếu ngân hàng vẫn còn dư địa tăng. Đây sẽ là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư theo trường phái giá trị và cũng là điểm đến của một phần lớn các nhà đầu cơ trên thị trường. 

Dù vậy, sẽ không phải dễ dàng để hưởng lợi từ nhóm cổ phiếu “vua” này vì việc chọn cổ phiếu nào, chọn thời điểm nào để “xuống” tiền đầu tư sinh lợi mới là yếu tố quyết định. 

“Hiện khối ngoại đang có động thái rút vốn ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam với lượng rất lớn. Điều này đã khiến thị trường bị chao đảo, trong đó với vai trò dẫn dắt thị trường nên mức độ ảnh hưởng tới cổ phiếu ngân hàng chắc chắn sẽ nặng nề hơn”.

TS. Nguyễn Trí Hiếu  - Chuyên gia tài chính