Cơ hội nào cho mạng xã hội "made in Vietnam"?

ANTD.VN - Giữa tháng 9-2019, Công ty CP VCCorp rầm rộ công bố ra mắt mạng xã hội “made in Vietnam” Lotus. Sự kiện đã gây tiếng vang lớn trong và ngoài nước, nhất là khi đại diện Lotus tuyên bố, mạng xã hội này sẽ không đi vào thị trường ngách mà sẽ cạnh tranh trực tiếp với những tên tuổi hàng đầu thế giới như: Facebook, Google… Phải chăng đã đến lúc người dùng Việt Nam tự tin lựa chọn mạng xã hội “made in Vietnam”? Cánh cửa cho các mạng xã hội thuần Việt đang rộng mở?

Thừa lượng, thiếu chất

Cơ hội nào cho mạng xã hội "made in Vietnam"? ảnh 1Muốn thay đổi thói quen người dùng, mạng xã hội cần khác biệt và mang lại trải nghiệm tuyệt vời

Trên thực tế, không phải đến khi Lotus ra đời, mạng xã hội “made in Vietnam” mới được nói đến. Trước đó khoảng 2 tháng, một mạng xã hội khác là Gapo (được phát triển bởi Công ty CP công nghệ Gapo (Gapo Technology JSC) cũng được giới thiệu. Đến thời điểm Lotus công bố ra mắt bản beta, Gapo tuyên bố đã cán mốc 2 triệu người dùng.

Kể từ đầu năm 2019, người dùng Việt Nam được giới thiệu nhiều mạng xã hội do các doanh nghiệp trong nước phát triển như: VietnamTa, Hahalolo… Một số mạng xã hội có từ trước đó như Mocha (phát triển bởi Viettel) cũng công bố những chiến lược riêng, với mục tiêu chinh phục người dùng ở mức độ cao hơn. Tuy vậy, chắc hẳn nhiều người không khỏi bất ngờ với số lượng “khủng” các mạng xã hội của Việt Nam. Theo thống kê mới nhất của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện Việt Nam có tới 436 mạng xã hội nội địa. Con số này đã tăng mạnh so với hồi giữa năm 2018 (chỉ có 360 mạng xã hội của tổ chức, doanh nghiệp trong nước được cấp phép và đang hoạt động). Cùng với đó, hiện có khoảng 60 triệu người Việt Nam có sử dụng mạng xã hội. Bên cạnh những cái tên mới nổi, người dùng Việt Nam còn biết đến Zing, Yume, Tamtay (hiện đã ngừng hoạt động), Zalo, Go... và gần đây có Biztime.

Xét về thời điểm “khai sinh”, chưa chắc mạng xã hội Việt Nam đã muộn hơn so với Facebook, Google, Twitter… Thậm chí, có những thời điểm, các mạng xã hội “made in Vietnam” nắm trong tay cơ hội để bứt phá. Tuy nhiên, dường như mạng xã hội Việt Nam bao nhiêu năm nay vẫn ở tình trạng thừa lượng, thiếu chất, rất ít mạng xã hội tồn tại được hơn 1 năm.

Trong số hàng trăm mạng xã hội, Zalo (dù chưa công bố là mạng xã hội nhưng hoạt động như mạng xã hội) có lẽ là thành công nhất khi có hàng chục triệu người dùng thường xuyên. Song, đáng tiếc nó lại dính nghi vấn về nguồn gốc xuất xứ khi giới lập trình chỉ ra sự liên hệ của mã nguồn Zalo với mạng xã hội Wechat vốn phổ biến ở Trung Quốc. Một số mạng xã hội khác như Tamtay dù khá phổ biến, có lượng người dùng thường xuyên lớn, nhưng vẫn đóng cửa vì nhiều lý do. Trong khi đó, những mạng xã hội khác như: Mocha, Go… lại “dậm chân tại chỗ” trong thời gian khá lâu, không mở rộng được lượng người dùng.

Những mạng xã hội mới ra mắt cũng chưa thấy có tương lai hơn. Đơn cử như Gapo, dù tuyên bố cán mốc 2 triệu người dùng chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng mạng xã hội này cũng đã có những lùm xùm ngay sau khi ra mắt. Đó là nghi vấn “sao chép” điều khoản sử dụng của một mạng xã hội nước ngoài. VietnamTa và Hahalolo lại bị “chê hết lời” ngay từ thời điểm xuất hiện nên cũng rất nhanh bị lãng quên. Lotus do đang chạy phiên bản thử nghiệm nên còn nhiều lỗi kỹ thuật gây phản cảm cho người dùng.

Cánh cửa hẹp

Chia sẻ về mục tiêu của mạng xã hội Lotus, ông Nguyễn Thế Tân - Tổng Giám đốc VCCorp cho biết, Lotus hướng đến mục tiêu 4 triệu người dùng thường xuyên, sau đó sẽ hướng tới mục tiêu cao hơn là cạnh tranh trực tiếp với Facebook, Google. Để làm được điều này, Lotus định hướng đầu tư cho nội dung, coi nội dung là “Vua”, khuyến khích người dùng sáng tạo nội dung. Đây cũng là cách mà một số mạng nước ngoài đã làm để thu hút người dùng. 

Bên cạnh đó, theo nhận định của một số chuyên gia về nội dung số, VCCorp có lợi thế khá tốt trong mảng này khi là đơn vị chủ quản của nhiều trang thông tin điện tử cũng như kết nối được những nguồn thông tin chính thống với nội dung phong phú, đa lĩnh vực như báo điện tử VOV, báo điện tử VTV, Tuổi trẻ, Lao động, Thanh niên… Cho rằng Lotus có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên, khi dự báo về tương lai của mạng xã hội này, một chuyên gia trong lĩnh vực này lại tỏ ra thận trọng. Vị này cho biết: “Ở giai đoạn đầu, Lotus tập trung quảng cáo nên lượng người dùng sẽ tăng nhanh. Cũng giống như một số mạng xã hội khác, số lượt tải về có thể đứng trong top đầu. Tuy nhiên, phải một thời gian nữa mới đánh giá được nội dung, chất lượng và sức sống của Lotus”.

Đồng quan điểm này, lãnh đạo một doanh nghiệp có sở hữu mạng xã hội cho hay, hiện hầu hết mạng xã hội Việt Nam hoạt động theo dạng diễn đàn, không được ưa chuộng so với các mạng xã hội nước ngoài vốn có nhiều ứng dụng nổi trội, cấu trúc phong phú, giao diện thu hút, khả năng tương tác và liên kết cộng đồng cao. Do đó, không dễ dàng để các mạng xã hội Việt Nam thu hút người dùng. Theo các chuyên gia công nghệ, để một mạng xã hội thành công thì cần rất nhiều yếu tố. Trong đó, bài toán kỹ thuật và hệ sinh thái là rất quan trọng.

Giới chuyên môn đánh giá, về kỹ thuật, các mạng xã hội “made in Vietnam” còn thua xa các doanh nghiệp nước ngoài. Về hệ sinh thái, chưa một mạng xã hội nào vượt qua được Facebook, Google. Những ưu điểm vượt trội của mạng xã hội nước ngoài đã tạo nên thói quen khó thay đổi cho người dùng Việt Nam. Đa số người dùng hiện nay đã quen với Facebook, Google, Youtube và Zalo. Để họ có thể thử nghiệm dùng song song với các mạng xã hội hiện có, tiến tới thay thế mạng xã hội này đòi hỏi mạng xã hội mới ra không những tuyệt vời hơn mà còn phải khác biệt hơn, thông minh hơn, kết nối và tương tác tốt hơn. Kèm theo đó, cần những biện pháp để “gây nghiện” cho người dùng. 

Cần lựa chọn cách tiếp cận mới

“Mạng xã hội cần cách tiếp cận mới. Giá trị khổng lồ cần được chia sẻ, cộng đồng có nhu cầu kiểm soát luật chơi, họ không phải là nạn nhân của thuật toán giấu kín. Nền tảng phải tạo ra môi trường lành mạnh, những gì vi phạm phải được loại bỏ, hợp tác đưa lên nền tảng dữ liệu mới. Lotus cam kết hợp tác, chia sẻ nội dung, cá thể hóa, tiếp cận có ngữ cảnh, bảo mật dữ liệu cá nhân… là để giải quyết nhu cầu mới. Trong thế giới kinh doanh mà người thắng cuộc gần như hưởng lợi tất cả thì người đi sau dường như chỉ có lựa chọn là cách tiếp cận mới.

Lotus bước vào thị trường đã bị thống trị bởi những “gã khổng lồ” trên thế giới. Không ít doanh nghiệp Việt Nam đã thất bại nhưng vẫn phải làm. Nhưng nếu VCCorp không làm, và không ai làm nữa, không chỉ ở đây mà nhiều lĩnh vực khác thì Việt Nam chúng ta sẽ ra sao? Việt Nam là nước đi sau, sẽ không có việc gì dễ còn lại cho chúng ta, nhưng chúng ta không nhìn đó là thách thức mà coi đó là cơ hội. Bởi vì, việc dễ không tạo ra người tài, việc trung bình tạo ra người trung bình, việc khó tạo ra người giỏi và việc vĩ đại tạo ra người vĩ đại…” 

(Trích bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng tại lễ ra mắt mạng xã hội Lotus ngày 16-9-2019)