Chủ động nhiều phương án phòng ngừa dịch Coivd-19, đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều

ANTD.VN - Với mục tiêu phát triển kinh tế song hành với phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, trong mùa vụ vải thiều 2020, Huyện ủy, UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã chủ động nhiều phương án sẵng sàng với mục tiêu cao nhất xuất khẩu, thông thương hàng hóa nhưng vẫn đảm bảo an toàn, tuyệt đối sức khỏe của nhân dân.

Chấp thuận 309 thương nhân nước ngoài nhập cảnh để giao dịch vài thiều

Theo ông Nguyễn Việt Oanh, Bí thư huyện ủy Lục Ngạn: “ Phương án phòng, chống dịch Covid-19 đối với thương nhân nước ngoài đến xúc tiến, giao dịch, thu mua tiêu thụ vải thiều tại địa bàn huyện đến nay huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang đã gửi văn bản đề nghị Bộ Công an và được chấp thuận danh sách cho 309 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh theo quy định. Hiện danh sách đã được UBND huyện chuyển đến cơ quan Biên phòng tỉnh Lạng Sơn và một số đơn vị liên quan”. 

Theo dự báo thời gian thu hoạch vải thiểu của huyện Lục Ngạn năm 2020 khoảng gần 100 nghìn tấn. Trong đó, vải chín sớm thu hoạch từ ngày 25-5; vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10-6 đến 30-7.

Huyện Lục Ngạn đã chủ động nhiều phương án, kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 để các thương nhận giao dịch xuất khẩu thông thương

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước còn diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy, để phát triển song hành ổn định kinh tế và đảm bảo sức khỏe của người dân, UBND huyện Lục Ngạn đã chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ nhân dân sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều theo 3 phương án, kịch bản gồm: Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài ở cả trong nước và trên thế giới nên việc tiêu thụ chủ yếu ở trong nước và chế biến.

Giải pháp hàng đầu là đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ nội địa, chế biến (sấy khô, đóng hộp, ép nước) và trữ lạnh; Tình hình dịch bệnh được kiểm soát nhưng chưa hết dịch sẽ đẩy mạnh tiêu thụ nội địa; xuất khẩu thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á và chế biến;

Tình hình dịch bệnh covid-19 được ngăn chặn hiệu quả, các hoạt động xuất nhập khẩu trở lại bình thường sẽ đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ như những năm trước. Hình thức tiêu thụ chủ yếu là bán quả vải tươi và chế biến vải thiều tại chỗ như: đóng hộp, ép nước, sấy khô.

Dự báo các thương nhân giao dịch tại địa bàn huyện sẽ gia tăng trong vụ thu hoạch vải thiểu, ngay từ những ngày đầu tháng 5-2020, các lực lượng chức năng đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh để chuẩn bị 29 khách sạn, nhà nghỉ với 338 phòng, 454  giường, sức chứa tối đa 750 khách. Trong đó UBND huyện Lục Ngạn đã bố trí 5 khách sạn, nhà nghỉ để đón thương nhân nước ngoài đến cách ly y tế tập trung đủ 14 ngày theo quy định của Bộ y tế.

Phát triển kinh tế song song đảm bảo an toàn sức khỏe của nhân dân

“Đối với những thương nhân nước ngoài đến từ phía Cửa khẩu Hữu Nghi, tỉnh Lạng Sơn, huyện Lục Ngạn sẽ tổ chức phương tiện và lực lượng đón các thương nhân ngay tại Cửa khẩu Hữu Nghị sau đó đưa về các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn huyện để thực hiện cách ly tập trung đủ thời gian 14 ngày theo quy định. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của huyện đã chủ động chuẩn bị phương án tổ chức cách ly, các điều kiện về lực lượng và chuyên môn y tế, cơ sở vật chất, hậu cần, an ninh trật tự... đảm bảo đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch cho các thương nhân.

Sau thời gian cách ly y tế tập trung đủ 14 ngày, căn cứ kết quả xét nghiệm Covid-19 theo quy định, các thương nhân nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành cách ly y tế và được hoạt động giao dịch, thu mua vải thiều bình thường tại địa phương” - ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết.

Dự kiến sản lượng vải thiều Lục Ngạn năm 2020 đạt khoảng gần 100 tấn

Năm 2020, do điều kiện thời tiết không thuận lợi, nên tỷ lệ ra hoa chỉ đạt khoảng 65% diện tích. Tổng diện tích trồng vải toàn huyện được duy trì 15.290 ha, trong đó vải chín sớm khoảng 2.000 ha. Diện tích sản xuất theo quy trình VietGap là 11.000 ha, diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGap khoảng 100 ha; duy trì diện tích 217,89 ha vải thiều của 394 hộ sản xuất tại các xã Hồng Giang, Giáp Sơn, Tân Mộc, Biên Sơn, Tân Quang, Tân Sơn và Kiên Lao đã được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp 18 mã số xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Đồng thời, phía Trung Quốc đã cấp 36 mã số đối với toàn bộ vùng trồng vải thiều Lục Ngạn và 229 doanh nghiệp, HTX, cơ sở được công nhận đủ điều kiện đóng gói, xuất khẩu chính ngạch quả vải thiều tươi vào thị trường Trung Quốc.

UBND huyện đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật cấp 18 mã số cho 99 hộ sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản với tổng diện tích 98 ha tại 6 xã: Hồng Giang, Quý Sơn, Giáp Sơn, Tân Sơn, Hộ Đáp, Nam Dương.

 Đến nay đã có 3 doanh nghiệp đăng ký mã vườn trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản: Công ty A.meii 3 mã, diện tích 15 ha (thôn Chão, xã Giáp Sơn 5 ha; thôn Ngọt, xã Hồng Giang 5 ha; thôn Hóa, xã Tân Sơn 5 ha); Công ty Chánh Thu 4 mã, diện tích 15 ha (thôn Vành Dây 05 ha, thôn Số 3, xã Quý Sơn 5 ha; thôn Hóa, xã Tân Sơn 5 ha); Công ty Xuất nhập khẩu Toàn Cầu 1 mã, diện tích 5 ha tại thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn.