Chính thức đề xuất "điện 1 giá", cao nhất 2.889 đồng/kWh, người dùng ít sẽ chịu thiệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mức giá điện 1 giá sẽ cao hơn từ 145%-155% so với giá bán lẻ điện bình quân, tức từ 2.703-2.889 đồng/kWh, chưa tính VAT.

Phương án điện 1 giá cao hơn 155% so với giá bán lẻ điện bình quân

Bộ Công Thương vừa chính thức lấy ý kiến dự thảo Quyết định quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Theo đó, đối với khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, dự thảo đưa ra 2 phương án. 

Phương án 1 là cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc: Ghép bậc 1 và bậc 2 hiện hành thành bậc 1 mới (từ 0-100 kWh), giá bậc 1 mới được giữ nguyên bằng bậc 1 hiện hành;

Giữ nguyên giá cho các hộ có mức sử dụng điện phổ biến từ 101-200 kWh; Ghép các bậc từ 201-300 kWh với 301-400 kWh thành bậc mới; Tách bậc thang trên 401 kWh thành 2 bậc mới: 401-700 kWh và trên 700 kWh.

Phương án 2 là cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc như trên và giá bán lẻ điện một giá: Khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá.

Trong đó, giá 4 bậc đầu tiên của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc tại phương án 1 được giữ nguyên để không tác động đến các hộ sử dụng ở mức dưới 700 kWh là các khách hàng có mức thu nhập thấp hoặc trung bình.

Từ kWh số 701 trở lên, phương án 2 đưa ra 2 kịch bản khác nhau là tăng 185% hoặc 274% so với giá bán lẻ điện bình quân. Giá điện 1 giá cũng được đề xuất ở 2 kịch bản là tăng 145% và 155% so với giá bán lẻ điện bình quân, tương đương 

“Hai phương án điều chỉnh các bậc thang nêu trên đều đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành cho khách hàng sinh hoạt”- Bộ Công Thương cho biết.

Đáng chú ý, ở lựa chọn điện 1 giá trong 2.703-2.889 đồng/kWh, chưa tính VAT. Thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang giá bán lẻ điện một giá hoặc ngược lại là một năm tính từ thời điểm bắt đầu thay đổi (12 kỳ hóa đơn thanh toán).

Cơ quan soạn thảo cho biết, việc sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nêu trên đảm bảo nguyên tắc giữ nguyên mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành được ban hành tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20-3-2019 của Bộ Công Thương.

Đồng thời, giải quyết các vấn đề tồn tại chính hiện nay của biểu giá điện, theo hướng phù hợp hơn với thực tế sử dụng điện của các khách hàng sử dụng điện hiện nay.

Tại một cuộc tọa đàm mới đây về giá điện, chuyên gia về năng lượng, TS Ngô Đức Lâm cho rằng, mức đề xuất giá điện 1 giá không thể cao hơn giá điện bình quân, bởi lẽ giá điện bình quân đã là giá cuối cùng của ngành điện, đã thực hiện đầy đủ theo cơ chế thị trường, tính đủ các yếu tố chi phí đầu vào, có lãi để cho ngành điện hoạt động lâu dài, ổn định.

Giá điện bình quân có lên có xuống, có thể thay đổi theo các yếu tố đầu vào như: nhiên liệu, tỷ giá, lạm phát… 

Mức đề xuất điện 1 giá theo dự thảo cho thấy, mức giá thấp nhất cao hơn mức giá bán lẻ điện hiện áp dụng cho đối tượng dùng dưới 300kWh/tháng, cao gần bằng hộ tiêu dùng từ 301kWh/tháng trở lên. Như vậy, nếu lựa chọn phương án điện 1 giá nêu trên, các hộ dùng dưới 300 kWh/tháng sẽ chịu thiệt.

Trong khi đó, mức đề xuất cao nhất là 2.889 đồng/kWh cao gần bằng mức giá hộ tiêu dùng từ kWh 401 trở đi hiện đang áp dụng. Do đó, các hộ có mức tiêu dùng nhiều điện có lợi hơn. 

Trong tháng 8-2020, Bộ Công Thương đã có Văn bản gửi các Bộ ngành, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, các hiệp hội ngành nghề, các đơn vị điện lực có liên quan để tham gia ý kiến lựa chọn các phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg. 

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, đánh giá để hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định dự kiến áp dụng từ năm 2021.