Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: "Trong hội nhập, không phải tất cả bức tranh đều màu hồng"

ANTD.VN - Đánh giá về cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) được ký kết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, có rất nhiều áp lực, thách thức đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp và nông dân Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực để được hưởng ưu đãi từ EVFTA

Ngày 1-7, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (EU) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức buổi “Đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu: Cơ hội cho doanh nghiệp”.

“Cuộc chơi” đầy thách thức

Được đánh giá là FTA thế hệ mới tiêu chuẩn rất cao, nên sau khi EVFTA và EVIPA được ký kết, những thách thức đối với Việt Nam cũng được thẳng thắn chỉ ra. Việt Nam là nước thứ hai trong khu vực ASEAN ký kết FTA với EU sau Singapore, nhưng là nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực ký kết FTA này.

"Trong hội nhập, không phải tất cả bức tranh đều là màu hồng, có rất nhiều áp lực, thách thức đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp và nông dân”- thông tin từ Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết.

Theo các chuyên gia, cùng với cơ khí chế tạo, bán lẻ, nông- thủy sản Việt Nam sẽ chịu “lép vé” tại EU, bởi lẽ thị trường này có yêu cầu, chuẩn mực rất cao liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng rào kiểm dịch… Chưa kể, xu hướng bảo hộ mậu dịch, xung đột thương mại phức tạp sẽ khiến những yêu cầu này trở nên khắt khe hơn.

Với hơn 96% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa có trình độ nhân lực hạn chế, khả năng quản trị chưa cao, việc khai thác ưu đãi từ FTA này không dễ.

Bên cạnh đó, tương tự như nhiều FTA khác Việt Nam đã tham gia, ưu đãi về thuế quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, muốn được hưởng ưu đãi về thuế, doanh nghiệp buộc phải đáp ứng quy tác xuất xứ. Đây cũng là một điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI), nguyên liệu đầu vào của nhiều mặt hàng hiện nay vẫn còn nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc các nước ASEAN; Chi phí tuân thủ của doanh nghiệp hiện nay vẫn còn lớn nên không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng tận dụng được ưu đãi từ EVFTA.

Chủ tịch VCCI cũng chỉ ra, hiện có tới 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa nắm rõ hiệp định EVFTA nên chưa thể nói đến việc làm sao để hưởng ưu đãi.

Nhấn mạnh yêu cầu khắt khe của thị trường EU, bà Cecilia Malmstrom- Cao ủy Thương mại EU cho biết: "EU cũng cần bảo vệ người tiêu dùng trước hàng hóa nhập khẩu. Do đó, EU đặt ra những tiêu chuẩn và yêu cầu đối với chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, Việt Nam cần phải nỗ lực”.

Lợi ích không thể bỏ qua

Theo Bộ Công Thương, EVFTA có cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), hiện mới có hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0%. Sau khi EVFTA có hiệu lực, gần 100% hàng xuất khẩu Việt Nam vào EU sẽ được hưởng ưu đãi thuế.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).

Ngoài ra, những cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng…