Bộ, ngành nào đang xếp cuối bảng xếp hạng về an toàn thông tin?

ANTD.VN - Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), mặc dù các bộ, ngành đã quan tâm đến an toàn thông tin (ATTT) nhưng chưa có bộ, ngành nào làm tốt công tác này. 

Các bộ, ngành chưa quan tâm đúng mức đến ATTT

Ngày 17-4, Cục ATTT (Bộ TT-TT) đã công bố báo cáo xếp hạng ATTT của các cơ quan Nhà nước.

Ông Hoàng Minh Tiến- Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cho biết, năm 2018, Việt Nam xếp thứ 50/175 trong 194 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia đánh giá về an ninh, an toàn không gian mạng; xếp thứ 11 trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.

Năm 2018, Bộ TT-TT cũng chủ trì khảo sát, xếp hạng an toàn thông tin tin (ATTT) của các cơ quan Nhà nước. Theo đó, thứ tự xếp hạng về ATTT được xếp từ tốt đến chưa tốt, theo loại từ A đến E.

Trong số 90 cơ quan Bộ, ngành được đánh giá, không có cơ quan nào xếp loại A và loại E, số cơ quan loại C nhiều nhất, cho thấy không có cơ quan nào là chưa quan tâm triển khai biện pháp an toàn, an ninh mạng, nhưng chưa có cơ quan nào được đánh giá triển khai tốt.

Cụ thể, 27 Bộ ngành trung ương được đánh giá, loại B gồm: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.

Trong khi đó, loại D bao gồm: Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ và Ủy ban dân tộc.

Ở khối địa phương, loại B gồm các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Lâm Đồng… Loại D gồm: Cà Mau, Khánh Hòa, Lai Châu, Long An, Nam Định, Phú Yên….

Khảo sát của Cục An toàn thông tin cũng cho biết, chỉ có 49,4% cơ quan có đơn vị/bộ phận chịu trách nhiệm về an toàn thông tin (ATTT). Cơ quan nào có đầu mối chịu trách nhiệm về ATTT thì xếp hạng cao hơn.

Đáng chú ý, trong số các bộ, ngành được khảo sát, chỉ có 25,3% có khả năng ghi nhận các cuộc tấn công mạng, có những cơ quan mua sắm thiết bị để đảm bảo ATTT nhưng không đủ lực lượng để vận hành. Hiện nay, đa số các cơ quan tự thực hiện việc đảm bảo ATTT mà không mời các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cùng tham gia.

Do đó, “chỉ có 1/3 cơ quan Nhà nước ban hành quy trình chuẩn về thao tác ứng phó sự cố (35,7%). Hầu hết các cơ quan lúng túng, chậm xử lý khi bị tấn công”- ông Hoàng Minh Tiến cho hay.

Theo đại diện của Cục ATTT, hiện chi phí của các cơ quan Nhà nước cho ATTT còn thấp, chưa tương xứng với nhu cầu thực tiễn.