Bộ Công Thương kiến nghị xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo trong tháng 4-2020

ANTD.VN - Trong kiến nghị mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương kiến nghị xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo trong tháng 4-2020, đồng thời, tăng lượng dự trữ lên 700 nghìn tấn, thay vì 300 nghìn tấn như trước đó.

Bộ Công Thương kiến nghị xuất khẩu 400 tấn gạo trong tháng 4

Ngày 6-4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có văn bản số 2412 gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo đó, Bộ Công Thương cho biết, hoạt động xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2020 cho thấy nhu cầu lương thực, thực phẩm đang tăng mạnh trên thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Bên cạnh nhu cầu tiêu dùng thực tế mà các nước xuất khẩu gạo vẫn có thể đáp ứng, đã xuất hiện nhu cầu tăng dự trữ tại nhiều quốc gia khiến giao dịch gạo trong thời gian qua rất sôi động. Giá gạo thế giới liên tục tăng dù Ấn Độ và Việt Nam (2 quốc gia sản xuất, xuất khẩu lúa gạo lớn) được mùa.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2020 tăng 31,7% về lượng, là mức tăng khá cao so với mức tăng cùng kỳ 3 năm gần đây. Nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh đã làm cho giá thị trường nội địa biến động, tăng 20%-25% tùy theo chủng loại thóc, gạo.

Sau khi Ấn Độ áp đặt lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19, dự báo nhu cầu đối với gạo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh. Nếu tiếp tục giữ tốc độ xuất khẩu bình quân 25.000 tấn/ngày (mà khả năng này là cao) thì xuất khẩu gạo quý I-2020 sẽ đạt gần 1,7 triệu tấn.

Quý II-2020 có thể đạt trên 2 triệu tấn. Tổng cộng 6 tháng đầu năm (trước khi vụ Hè Thu thu hoạch rộ) có thể xuất khẩu trên 3,7 triệu tấn, lớn hơn nhiều so với lượng gạo hàng hóa có thể dành cho xuất khẩu là 3 triệu tấn.

Theo Bộ Công Thương, khả năng thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước là khó xảy ra. Sau khi tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an ninh lương thực, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng có thể cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng, trước mắt là tháng 4 và tháng 5-2020.

Cụ thể, ngoài lượng 300 nghìn tấn gạo để thực hiện kế hoạch mua vào năm 2020 của Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ NN&PTNT), Bộ Công Thương kiến nghị giữ lại thêm 400 nghìn tấn để dự phòng cho mọi tình huống có thể xảy ra trong tháng 4 và tháng 5. Như vậy, tổng lượng gạo xuất khẩu giữ lại cho nhu cầu trong nước trong 2 tháng (trước khi có thóc vụ Hè Thu) là 700 nghìn tấn.

Với số lượng giữ lại này, mỗi người dân sẽ được dự phòng thêm 7,3 kg gạo, một hộ gia đình 4 người sẽ được dự phòng thêm khoảng 30kg cho tháng 4 và tháng 5.

Như vậy, lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 sẽ vào khoảng 800 nghìn tấn. Theo Bộ Công Thương, lượng gạo được phép xuất khẩu này đã giảm 40% so với lượng xuất khẩu của cùng 2 tháng năm 2019; giảm 35,7% so với cùng giai đoạn năm 2018 và giảm 21,7% so với cùng giai đoạn năm 2017.

Căn cứ vào tổng số lượng 800 nghìn tấn nói trên, trước mắt trong tháng 4 cho phép xuất khẩu trên 400 nghìn tấn.

Bộ Công Thương cũng đề xuất Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm quản lý số lượng 400 nghìn tấn gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 thông qua cộng dồn và trừ lùi số lượng theo tờ khai hải quan hàng xuất khẩu. Cùng đó, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước khẩn trương mua đủ số lượng lương thực dự trữ theo kế hoạch được giao.

"Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính đôn đốc, chỉ đạo Vinafood 1 và các công ty thành viên ưu tiên ký ngay hợp đồng với số lượng đã trúng thầu tại các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực theo kết quả đấu thầu. Chỉ cho phép xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không, nơi đã có đủ trang thiết bị nối mạng để Tổng cục Hải quan có thể theo dõi và phản ánh theo thời gian thực"- Bộ Công Thương đề xuất.

Nhắc lại quan điểm ở báo cáo mới đây, Bộ Công Thương cho hay, 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất phải ký thỏa thuận với ít nhất 1 hệ thống siêu thị về đảm bảo cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. Nếu không thực hiện theo thỏa thuận sẽ bị thu hồi giấy phép xuất khẩu gạo.

Trước đó, ngày 31-3, sau khi làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các bộ ngành liên quan, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ cho xuất khẩu 800.000 tấn gạo trong tháng 4, 5 nhưng có kiểm soát.