Bán lẻ nội có thực đang thua trước bán lẻ ngoại?

ANTD.VN - Hệ thống các nhà bán lẻ nội với những tên tuổi như: Vingroup, Saigon Co.op… đang chiếm ưu thế hơn hẳn các nhà bán lẻ ngoại đang có mặt tại Việt Nam.

Nhà bán lẻ nội không còn lép vế trước bán lẻ ngoại

Nếu như trước đây, thị trường bán lẻ Việt Nam gần như mặc định thuộc về các ông lớn nước ngoài như: Big C, Metro (giờ là Mega Market), AONE… hay các cửa hàng tiện lợi Shop&Go, 7-Eleven… thì hiện nay, những tên tuổi bán lẻ nội lại chiếm ưu thế. Có thể kể đến trong số này là: Vinmart, Vinmart+, Co.op mart, Điện máy Xanh…

Không chỉ có hệ thống trung tâm thương mại, đại siêu thị, cửa hàng tiện ích trải rộng khắp mọi miền của đất nước, các thương hiệu bán lẻ này còn đang ngày càng thu hút được nhiều khách hàng đến mua sắm vì chất lượng hàng hóa, dịch vụ ổn định, giá cả cạnh tranh.

Chỉ tính riêng tại thị trường TP Hồ Chí Minh, các nhà bán lẻ nội địa đang chiếm ưu thế với 151/205 siêu thị, chiếm tỷ trọng gần 75%, đồng thời nắm giữ 26/46 trung tâm thương mại (chiếm 56,5%). Tương tự, chuỗi cửa hàng tiện lợi cũng chiếm tới 67% với 1.581/2.360.

Tại Hà Nội, những tên tuổi bán lẻ "vang bóng một thời" như: Fivimart, Hapro, Intimex... hoặc không còn sau mua bán, sáp nhập; hoặc vẫn chưa mở rộng thêm phạm vi kinh doanh, nhưng thay vào đó là những nhà bán lẻ nội địa mới tầm cỡ.

Điều bất ngờ nhất trên thị trường bán lẻ hiện nay là xu hướng bán lẻ nội thâu tóm bán lẻ ngoại- diễn biến tưởng như khó có thể xảy ra. Ngày 27-6-2018, Auchan Retail Việt Nam (Pháp) đã ký kết chuyển giao toàn bộ hệ thống siêu thị Auchan tại Việt Nam cho Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op).

Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp bán lẻ trong nước sở hữu thương hiệu nước ngoài, cho thấy vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường vốn được xem là lợi thế của nhà đầu tư ngoại. 

Năm 2014, với việc mua lại 70% cổ phần của Công ty CP Bán lẻ và Quản lý bất động sản Đại Dương - Ocean Retail - doanh nghiệp quản lý hệ thống siêu thị Ocean Mart và Ocean Mart Express với giá 570 tỷ đồng, Vingroup đã chính thức tham gia vào lĩnh vực bán lẻ và chuyển đổi tên thành chuỗi siêu thị VinMart.

Tiếp theo đó, Vingroup tiếp tục mua lại các hệ thống siêu thị Vinatexmart, Maximark rồi đến Fivimart. Gần đây nhất, vào đầu tháng 4-2019, Vingroup đã mua lại hệ thống cửa hàng tiện lợi Shop&Go của Công ty CP Cửa hiệu và Sức sống.

Tính đến tháng 5-2019, thương hiệu bán lẻ nội địa này đã xây dựng được chuỗi 111 siêu thị VinMart và khoảng 1.900 cửa hàng tiện lợi VinMart+.  

Theo các chuyên gia, những thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trên thị trường bán lẻ với phần thắng nghiêng về các doanh nghiệp nội cho thấy, các nhà bán lẻ Việt Nam có đủ khả năng cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Bán lẻ nội không còn thua trên “sân nhà”.

Tin cùng chuyên mục